Klacid (clarithromycin) là thuốc gì? Thuốc được sử dụng như thế nào và có những thông tin quan trọng nào cần lưu ý khi dùng Klacid (clarithromycin)?
Thuốc Klacid được chỉ định trong những trường hợp nào?
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Klacid là thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có thành phần chính là clarithromycin. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể. Klacid thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm, cụ thể như:
-
Nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới: viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,…
-
Nhiễm trùng da và mô mềm ở mức độ nhẹ đến trung bình: viêm nang lông, chốc lở, viêm mô tế bào,…
Ngoài ra, tùy vào đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc trong những trường hợp nhiễm khuẩn khác. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng Klacid.
Cách dùng thuốc Klacid (clarithromycin)
Klacid có nhiều dạng bào chế để phù hợp với từng đối tượng sử dụng, bao gồm:
-
Klacid: dạng bột pha hỗn dịch uống.
-
Klacid MR và Klacid Forte: dạng viên nén.
Đối với dạng viên: Uống nguyên viên, không nghiền nát hoặc nhai thuốc. Có thể dùng thuốc cùng hoặc không cùng bữa ăn, vì thức ăn không ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu.
Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: Nên sử dụng dạng hỗn dịch pha uống. Thuốc được đóng gói dưới dạng cốm trong chai; khi dùng, thêm lượng nước vừa đủ và lắc kỹ để hòa tan hoàn toàn. Có thể uống cùng với sữa hoặc thức ăn mà không ảnh hưởng đến tác dụng.
Tác dụng phụ của Klacid
Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng Klacid bao gồm:
-
Đau bụng, tiêu chảy.
-
Buồn nôn, nôn.
-
Loạn vị giác, cảm giác nhạt miệng.
Lưu ý: Cần thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân suy thận nặng. Ngoài ra, một số người có thể gặp các phản ứng khác như: ngứa, nổi mẩn, chóng mặt, lo âu,…
Thận trọng khi sử dụng Klacid (clarithromycin)
-
Cần theo dõi kỹ khi dùng thuốc ở bệnh nhân có bệnh lý gan hoặc suy thận từ nhẹ đến nặng.
-
Klacid có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh nhược cơ.
-
Không sử dụng thuốc ở bệnh nhân có rối loạn nhịp tim do kéo dài khoảng QT hoặc xoắn đỉnh.
Không được dùng Klacid đồng thời với những thuốc nào?
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Do có nguy cơ xảy ra tương tác thuốc nghiêm trọng, Klacid không nên dùng chung với các thuốc sau:
-
Terfenadine, astemizole, cisapride, pimozide: Có thể gây loạn nhịp tim nghiêm trọng.
-
Ergotamin hoặc dihydroergotamin.
-
Lovastatin, simvastatin: Nếu bắt buộc phải dùng, nên sử dụng liều thấp nhất và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng ở cơ.
-
Colchicine (thuốc điều trị gút): Dùng đồng thời có thể gây ngộ độc, đặc biệt ở người lớn tuổi.
-
Ticagrelor, ranolazine.
Ngoài những thuốc nêu trên, clarithromycin còn có thể tương tác với nhiều thuốc khác. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để được tư vấn an toàn.
Lưu ý quan trọng: Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm gan như: vàng da, ngứa, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, đau bụng,… cần ngưng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.
Cách bảo quản thuốc Klacid
-
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng trực tiếp và nơi ẩm ướt. Để xa tầm tay trẻ em.
-
Đối với Klacid 125 mg/5 ml dạng hỗn dịch: Sau khi pha, thuốc có thể sử dụng trong vòng 14 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng (15–30°C) và đựng trong chai kín. Không để trong tủ đông lạnh.
Ngoài Klacid, còn có một số thuốc chứa hoạt chất clarithromycin khác với công dụng tương tự, như: Clathrimax, Clarithromycin STADA, Agiclari…
Klacid là thuốc kháng sinh, do đó cần sử dụng đúng liều lượng và đúng thời gian điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng, bạn nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn kịp thời.