Danh mục
Trang chủ >> Đông Y >> Cây Hoàng tinh – Vị thuốc bị lãng quên và những công dụng quý giá

Cây Hoàng tinh – Vị thuốc bị lãng quên và những công dụng quý giá

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cây Hoàng tinh, mọc hoang dại ở các vùng rừng ẩm miền Bắc, được biết đến với nhiều công dụng quý báu trong y học cổ truyền. Tên gọi “Hoàng tinh” xuất phát từ quan niệm xưa cho rằng màu vàng của cây là do tinh khí của đất sinh ra. Đây là một loại dược liệu quý, với các tác dụng bổ phổi, hỗ trợ tiêu hóa, và chữa các bệnh do lao lực, đặc biệt là các chứng bệnh liên quan đến suy nhược cơ thể, tiểu đường, yếu sinh lý, và thiếu máu. Dù giá trị dược liệu cao, song cây vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu mọc tự nhiên. Hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc đã bị lãng quên này nhé!

1. Đặc điểm chung cây Hoàng tinh

Tên gọi khác: Cơm nếp, mễ phủ, cứu hoang thảo…

Tên khoa học: Polygonatum sibiricum, P. cyrtonemua, P. kingianum – Liliaceae (họ hành tỏi )

1.1. Mô tả thực vật

Hoàng tinh là cây thân thảo sống lâu năm, cao 50 – 80cm. Lá mọc vòng 4 – 5 chiếc, phiến lá hình mác, đầu nhọn, không có cuống.

Hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài khoảng 1,5 – 2cm, ra hoa vào tháng 3 – 4.

Quả mọng, hình cầu, chín có màu tím đen.

Thân rễ mọc ngang, phát triển thành củ mập, dài 30 – 35cm, rộng 6 – 7cm, dày 2 – 3cm, màu vàng trắng.

1.2. Phân bố và sinh trưởng

Cây phân bố nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, ở độ cao >1200m, nơi có khí hậu mát ẩm và đất nhiều mùn. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ.

2. Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Thân rễ

Thời điểm thu hái: Vào mùa thu – đông (tháng 4 đến 10), khi hàm lượng nước trong củ thấp, dễ bảo quản.

Cách chế biến:

Phơi/sấy khô: Củ được rửa sạch, chần sơ trong nước sôi rồi phơi khô.

Tửu chế (tẩm rượu): Ngâm củ trong rượu theo tỷ lệ 100kg củ với 20 lít rượu, đun cách thủy, sau đó cắt lát phơi khô.

Củ hoàng tinh có mùi thơm nhẹ, vị ngọt, chất dẻo, mặt ngoài vàng nâu, mặt bẻ có chấm nhỏ, nếm hơi ngứa lưỡi.

Dược liệu Hoàng tinh được chế biến thái lát phơi khô

3. Thành phần hoá học

Nghiên cứu đã xác định được nhiều hoạt chất sinh học như:

Isoflavone: Liquiritigenin, isoliquiritigenin…

Furan dẫn xuất, acid salicylic, saponin steroid, ginsenoside Rc…

Đặc biệt, hai saponin spirostanol mới: Kingianoside H và Kingianoside I được phát hiện từ thân rễ chế biến.

Hình ảnh cây và hoa Hoàng tinh

4. Tác dụng – Công dụng của cây hoàng tinh

*Theo y học hiện đại

– Chống tiểu đường: Saponin giúp ổn định đường huyết, tăng độ nhạy insulin.

– Điều hòa lipid máu: Giúp giảm cholesterol, triglycerid do chế độ ăn nhiều chất béo.

– Chống mệt mỏi, tăng cường thể lực.

*Theo y học cổ truyền

Hoàng tinh (Thục hoàng) có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế – tỳ – thận.

Tác dụng:

Bổ khí, dưỡng âm, kiện tỳ, ích thận;

Nhuận phế, sinh tân, giảm ho do hư nhiệt;

Trị suy nhược, mệt mỏi, ăn kém, miệng khô, háo khát…

Liều dùng: 12 – 20g/ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc rượu thuốc

5. Một số bài thuốc tiêu biểu

Trị ho, lao lực: Hoàng tinh 15g, ý dĩ 10g, sắc còn 200ml, chia 3 lần/ngày.

Trị suy nhược sau bệnh: “Hoàng tinh thang”:

Hoàng tinh 24g, sinh địa 20g, đảng sâm, hoàng kỳ mỗi 12g, kỷ tử 12g, sắc uống.

Tiểu đường: Hoàng tinh, sinh địa, trạch tả, nhân sâm, hoàng kỳ, hoàng liên… tán bột, mỗi lần 5g, ngày 3 lần.

Trị thiếu máu: Hoàng tinh, thục địa, hà thủ ô, rễ đinh lăng, tam thất – tán bột, uống 10g/ngày.

Yếu sinh lý: Hoàng tinh 20g phối hợp với hoài sơn, kỷ tử, long nhãn, đinh lăng… sắc uống hàng ngày.

Trị lipid máu cao: Dùng viên hạ mỡ gồm Hoàng tinh, Hà thủ ô, Tang ký sinh – uống liên tục 2 tháng.

Trị ho ra máu: Hoàng tinh, bách bộ, bạch cập – tán bột luyện mật, viên uống ngày 3 lần.

Nấm da tay chân: Ngâm hoàng tinh với cồn và giấm – bôi ngoài da.

Có tác dụng giảm mệt mỏi từ vị thuốc hoàng tinh

6. Lưu ý khi sử dụng

Không dùng cho người đờm thấp nhiều, tỳ vị hư hàn.

Tránh nhầm với cây bình tinh (Arundinacea Linn.) – cây lấy bột làm bánh, không có công dụng làm thuốc.

7. Kết luận và định hướng phát triển

Hoàng tinh là vị thuốc dân gian quý giá, có nhiều công dụng bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, đặc biệt là trong các bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn lipid máu và suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, do chưa được khai thác đúng mức, dược liệu này hiện vẫn chủ yếu mọc hoang và chưa có vùng trồng quy mô.

Trong tương lai, việc nghiên cứu sâu hơn về hoạt chất, tác dụng dược lý cũng như xây dựng các vùng dược liệu chuẩn hóa có thể giúp Hoàng tinh phát huy giá trị trong cả Đông y và y học hiện đại. Đồng thời, kết hợp với công nghệ chế biến hiện đại để tạo ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe là hướng đi tiềm năng, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên y học cổ truyền quý báu của Việt Nam./.

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung

Có thể bạn quan tâm

Vạn niên thanh: Loài cây cảnh có tác dụng thanh nhiệt giải độc

Cây Vạn niên thanh, còn gọi với nhiều tên khác như Ngưu vĩ thất, Xung …