Phong khương hay còn gọi Gừng gió, cây không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp hoang dại với những bông hoa trắng tinh khôi và hương thơm quyến rũ mà còn là một cây thuốc quý giá. Loài cây này mang đến sự tươi mới cho không gian sống, đồng thời có giá trị lớn trong ẩm thực và y học. Củ gừng gió được biết đến với tác dụng giảm đau, kháng viêm, tăng cường sức đề kháng và làm gia vị cho nhiều món ăn. Hãy cùng khám phá những công dụng tuyệt vời của loại cây gừng gió dại đặc biệt này!
Hình ảnh cây Gừng gió
1 Đặc điểm chung dược liệu
Tên khác: Gừng dại, Phong khương, Riềng Gió, Ngải Xanh, Ngải Mặt Trời, Riềng Đại,..
Tên khoa học: Zingiber zerumbet L. Họ thực vật: Zingiberaceae (Gừng).
1.1 Mô tả thực vật:
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Gừng gió là cây thảo cao khoảng 1-1,3 mét, có thân rễ dạng củ, phân nhánh, màu trắng vàng nhạt và mùi thơm đặc trưng. Thân khí sinh khỏe, mọc thẳng, bề mặt nhẵn.
Lá cây mọc sít không có cuống, hình mác thuôn dài khoảng 20cm, rộng 5cm. Mặt trên lá xanh lục sẫm, nhẵn; mặt dưới nhạt hơn, phủ lông rải rác.
Cụm hoa hình trứng hoặc hình trụ, mọc trên cán hoa mập dài 20-30cm, được bao phủ bởi lá bắc. Hoa màu vàng với đài nhỏ, tràng có ống loe màu trắng, bầu hình elip, quả nang hình bầu dục chứa ít hạt đen.
Mùa hoa gừng gió thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, góp phần tô điểm cho không gian tự nhiên.
Hình ảnh các bộ phận của cây Gừng gió
1.2. Phân bố, sinh trưởng
Gừng gió phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á, gồm các quốc gia như Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Nam Trung Quốc, và Việt Nam.
Ở Việt Nam, cây mọc rải rác tại vùng trung du, miền núi thấp và đôi khi ở đồng bằng.
Đây là loài cây ưa ẩm, chịu bóng, thường sống trong tán rừng kín hoặc ven rừng. Tại trung du và đồng bằng, cây thường mọc lẫn trong các bụi rậm dưới chân đồi hoặc quanh làng bản, phát triển hệ thân rễ mạnh mẽ. Từ một cây mẹ, mỗi năm có thể mọc thêm 2-3 nhánh con, tạo thành các bụi lớn với diện tích 1-2 m².
Gừng gió ra hoa và quả hằng năm nhưng chưa phát hiện cây con mọc từ hạt. Loài cây này dễ trồng, có thể nhân giống nhanh bằng nhánh con hoặc thân rễ.
2.Bộ phận dùng – Thu hái và chế biến:
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Thời điểm thu hái: Mùa đông, khi cây đạt độ trưởng thành tốt nhất.
Chế biến: Thân rễ được thu hái, sau đó phơi hoặc sấy khô để bảo quản và sử dụng lâu dài.
3.Thành phần hóa học:
Cây gừng gió chứa các thành phần hóa học chính gồm:
Tinh dầu
Nhựa dầu
Dầu béo
Chất đắng
Thành phần tinh dầu của gừng gió bao gồm:
-Monoterpen: α-pinen, limonen, camphen, cineol, camphor.
-Sesquiterpen: humulen, sesquiterpene monocyclic ceton.
Trong đó, zerumbone là thành phần sesquiterpen chính và có vai trò quan trọng nhất, mang lại giá trị y học nổi bật của gừng gió.
4.Tác dụng – công dụng :
*Theo y học hiện đại:
Zerumbone: Thành phần chính trong gừng gió, có tác dụng ức chế sự phát triển của tụ cầu vàng và trực khuẩn lao, chứng minh khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ.
Kết quả nghiên cứu thuốc chống ung thư từ cây gừng gió của PGS.TS Văn Ngọc Hướng và nhóm nghiên cứu đã chiết tách thành công hoạt chất zerumbone từ cây gừng gió, có khả năng ức chế và phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư vú. Năm 2011, quy trình chiết tách zerumbone từ gừng gió ở Tam Đảo đã đạt hiệu suất 0,35% và độ tinh khiết 99,5%. Các thử nghiệm cho thấy zerumbone ngăn ngừa sự phát triển của khối u và tái phát ung thư. Sản phẩm thực phẩm chức năng Zerumboner, được Bộ Y tế cấp phép, hỗ trợ điều trị 4 loại ung thư và đang được bào chế từ zerumbone chiết xuất từ cây gừng gió.
*Theo Đông y:
Thân rễ gừng gió: Vị cay, đắng, mùi thơm hăng, tính ấm nhưng không nóng bằng gừng thông thường.
Công năng: Tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết.
Công dụng chính:
– Chữa trúng gió, chóng mặt, nôn nao, ngất xỉu.
– Tẩy độc, bồi bổ sau sinh, kích thích tiêu hóa, cải thiện giấc ngủ, giúp da hồng hào.
– Điều trị đau bụng, sưng tấy đau nhức.
Gương gió được Ứng dụng dân gian:
Tại Ấn Độ: Gừng gió được dùng như chất kích thích tiêu hóa, giúp trung tiện, trị đau bụng khó tiêu.
Chữa ho gà: Thân rễ gừng gió kết hợp xuyên tâm liên với liều lượng bằng nhau.
Hình ảnh hoa của cây Gừng gió
5.Một số bài thuốc chữa trị bệnh từ củ Gừng gió
5.1.Chữa trúng gió, bị ngất, tay chân lạnh
20-30g gừng gió, giã nhỏ, thêm rượu, chắt lấy nước cốt uống. Bã đem chưng nóng và đắp vào chỗ bị đau.
5.2.Chữa vết thương
20g thân rễ gừng gió, 20g lá chàm mèo, giã nát và đắp vào chỗ tổn thương.
5.3.Chữa hôi nách
20g thân rễ gừng gió, 4g long não. Gừng gió phơi khô, tán thành bột mịn, long não tán thành bột mịn, trộn đều và xoa vào nách mỗi ngày 2 lần.
5.4.Trị cảm lạnh do mưa:
Lá gừng gió tươi và lá khuynh diêp mỗi vị 50g, vỏ quýt phơi khô 10g, sắc trong 1.000ml nước. Sau khi sôi 10 phút, xông đổ mồ hôi, chà xác lên ngực và lưng, đắp chăn ấm, nghỉ dưỡng 20 phút.
5.5.Phụ nữ bị rong kinh bất thường sau sinh:
Củ gừng 10g, lá khoai mỡ 5g, hoa khoai mỡ 10g, sắc 3 bát nước còn lại nửa bát. Uống 2 lần/ngày trong 3 ngày.
5.6.Phụ nữ sau sinh ăn không ngon miệng:
Ngọn bí đỏ 50g, cà chua 50g (bỏ hạt), củ gừng gió 5g, thịt cá hồng 50g, nấu với 500ml nước còn 300ml, chia làm 2 phần ăn trưa và chiều, cách ngày ăn 1 lần.
5.7.Nam giới trung niên bị mỡ trong máu:
20g củ gừng gió, 10g lá gừng gió, táo tàu khô 10 quả, mộc nhĩ đen 30g, nấm bào ngư 30g, nấu trong 1 lít nước còn 500ml, chia làm 5 phần ăn trong ngày. Cách 3 ngày ăn 1 lần, liên tục 10 lần.
5.8.Trị đau nhức khớp chậu:
50g củ gừng gió, 20g lá ngải cứu, 50g gạo lứt rang vàng sẫm, 2 củ hành 20g, 15g hành lá, 200-350g lươn, sắc trong 800ml nước còn 300ml. Chia làm 2 phần uống trong ngày, cách 2 ngày/lần, liên tục 15 lần.
5.9.Trị chứng ăn khó tiêu:
30-50g gừng gió giã nhuyễn, 30g bầu non, 1 quả chanh muối, cho vào 200ml nước, đun sôi 15 phút, uống cách nhau 5 phút để tiêu hóa tốt, ợ, trung tiện và thông tiểu tốt. Nằm nghỉ 10 phút.
6.Một số câu hỏi thường gặp
6.1.Củ Gừng gió có ăn được không?
Củ Gừng gió chính là thân rễ có tính ấm, vị cay. Khi ăn, Gừng gió có tác dụng chữa đau bụng, trúng gió, nhưng thường được kết hợp với một số dược liệu khác để tăng hiệu quả.
6.2.Củ Gừng gió ngâm rượu có tác dụng gì?
Củ Gừng gió đem ngâm rượu có tác dụng chữa chứng khó tiêu, kích thích tiêu hóa, giảm đau bụng, đầy hơi. Ngoài ra, có thể dùng Gừng gió ngâm rượu để xoa bóp ngoài da trong trường hợp bị trúng gió, đau mỏi mình mẩy, tay chân lạnh.
Cách ngâm rượu Gừng gió
Rửa sạch củ Gừng gió tươi.
Dùng rượu nếp 30-40 độ để ngâm trong bình thủy tinh.
Để nơi mát khoảng 2-3 tháng là có thể sử dụng.
6.3.Cách dùng cây Gừng gió gội đầu
Hoa của cây Gừng gió có thể được dùng để gội đầu giúp làm mềm tóc, giảm tình trạng khô xơ và gãy rụng.
Cách sử dụng:
Lấy hoa Gừng gió, vắt lấy nước.
Dùng nước này để gội đầu hoặc rửa mặt, mát xa đều chân tóc và xả lại bằng nước sạch.
Kết luận: Cây Gừng gió, với tác dụng dược lý mạnh mẽ, đã được sử dụng lâu dài trong cộng đồng các dân tộc miền núi như H’rê, Cor, Ca Dong ở Quảng Ngãi và trong dân gian để chữa các bệnh ngoài da, tiêu hóa, và các vấn đề về dạ dày. Thành phần hoạt chất zerumbone trong cây gừng gió còn được nghiên cứu và chứng minh có khả năng phòng ngừa và ức chế sự phát triển của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư vú.
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Gừng gió là một nguồn dược liệu quý và cần được bảo tồn và phát triển tại các khu vực như Trà Bồng và rừng Cà Đam, nơi cây phát triển mạnh mẽ. Việc bảo tồn và trồng gừng gió không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Trong tương lai, cây Gừng gió có thể trở thành một nguồn nguyên liệu quan trọng trong y học hiện đại, đặc biệt là trong việc sản xuất các loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. Các nghiên cứu và ứng dụng dược lý của gừng gió như zerumbone mở ra triển vọng lớn trong việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh lý./.
DsCKI.Nguyễn Quốc Trung