Chứng khó tiêu không quá nguy hiểm nhưng Thầy thuốc cho biết nó sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho những người mắc phải.
Chứng khó tiêu
Chứng khó tiêu được xác định như là những cơn đau dai dẳng, hay tái diễn đều đặn hoặc sự khó chịu ở phần trên của bụng, đặc biệt là khi bạn căng thẳng. Chúng thường “hỏi thăm” sức khỏe của bạn sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, các món ăn cay và nóng hoặc khi bộ máy tiêu hóa có một chút trục trặc tạm thời ở khâu chức năng. Thật may là trong hai trường hợp này, những biểu hiện đáng ghét ấy cũng sẽ chịu chấm dứt sau khi bạn cải thiện chế độ ăn hoặc dùng thuốc hỗ trợ.
Tuy nhiên, những dấu hiệu rõ ràng đó có thể chỉ là một phần nổi của tảng băng, bảy phần chìm ẩn đằng sau nó có khi là những căn bệnh đáng ngại như trào hơi dạ dày – thực quản viêm loét, viêm tụy mãn tính, liệt nhẹ dạ dày, nhiễm trùng dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày… Nhưng đâu chỉ có thế, những căn bệnh không liên quan đến bộ máy tiêu hóa như đái tháo đường, cường giáp, viêm gan, sỏi mật… cũng có thể là nguồn căn của chứng khó tiêu.
Bởi vậy, trong điều trị các bác sĩ thường chia chứng khó tiêu thành hai nhóm: khó tiêu chức năng hay còn gọi là khó tiêu không có loét (chướng bụng, đau tức, khó chịu ở vùng thượng vị mà không có tổn thương của các cơ quan nội tạng trong cơ thể) và khó tiêu do bệnh nhân mắc một chứng bệnh thực thể. Việc xác định rõ nguyên nhân đóng vai trò quyết định trong điều trị chứng “ách tắc đường sướng” này.
Những kẻ thù giấu mặt gây ra chứng khó tiêu
Để xác định rõ cảm giác ấm ách mà bạn đang chịu đựng chỉ là chứng khó tiêu đơn thuần hay nó đang che giấu những mối họa nguy hiểm bạn cần tiến hành một số xét nghiệm mới có câu trả lời đích xác.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng khó tiêu đi kèm với một số dấu hiệu như: sốt, nôn, đi ngoài ra máu, thiếu máu, chán ăn, sụt cân, nuốt đau, người bệnh trên 45 tuổi hoặc gia đình có người bị ung thư dạ dày… cần có sự lưu tâm đặc biệt và phải được đưa đến bác sĩ để có hướng điều trị hợp lý.
Với chứng khó tiêu chức năng, mặc dù không xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng Tin tức Y Dược cũng ghi nhận một số yếu tố làm khởi phát hoặc làm nặng thêm triệu chứng như:
Thói quen ăn uống: Thói quen ăn nhanh, nuốt vội khiến cho thức ăn không được nghiền nhuyễn làm hạn chế khả năng tiếp xúc của các enzym, vì thế làm giảm tốc độ tiêu hóa. Ăn uống thất thường, không đúng giờ cũng khiến cho dịch tiêu hóa tiết ra vừa ít vừa kém chất lượng.
Các món ăn chua, cay, nhiều gia vị, dầu mỡ, nhiều đạm thường là những món ăn khó tiêu; và với một số người, thức ăn nhiều tinh bột cũng khiến họ bị đầy bụng. Việc lạm dụng chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá làm tăng tiết acid dịch vị gây ợ chua và cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Có đến 50% trường hợp mắc chứng khó tiêu được xác định là có nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Khi điều trị khỏi nhiễm khuẩn thì các triệu chứng khó tiêu cũng thuyên giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn. Có lẽ từ mối liên hệ này mà người ta ghi nhận đây là một trong những nhân tố liên quan đến chứng bệnh này.
Strees và tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc dãn phế quản… cũng có thể làm gia tăng các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.