Danh mục
Trang chủ >> Đông Y >> Uy linh tiên (dây ruột gà): Vị thuốc điều trị đau nhức gân xương

Uy linh tiên (dây ruột gà): Vị thuốc điều trị đau nhức gân xương

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Nhờ đặc điểm khí hậu và địa hình đa dạng, nhiều cây thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được tìm thấy ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam – nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa Nam và Bắc. Một trong số đó là uy linh tiên (còn gọi là dây mộc thông hay dây ruột gà), một dược liệu quý trong Y học cổ truyền. Vị thuốc này nổi bật với các công dụng như hành khí, chỉ thống, trừ thấp, khu phong. Đặc biệt, uy linh tiên được biết đến nhiều nhất với khả năng điều trị hiệu quả các bệnh về gân xương và nhiều bệnh lý khác. Hãy cùng tìm hiểu về dược này với tên gọi Uy Linh Tiên ( Dây Ruột gà) này nhé!

Hình ảnh Cây Uy Linh Tiên (Ruột gà)

1. Đặc điểm chung dược liệu

  • Tên gọi khác: Uy linh tiên còn được gọi là dây ruột gà hoặc dây mộc thông.
  • Tên khoa học: Clematis chinensis. – Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

*Cần phân biệt

  • Ở nước ta, dây ruột gà (vị thuốc uy linh tiên) được gọi là mộc thông. Vì vậy, khi sử dụng, cần lưu ý để tránh nhầm lẫn một loại dây leo khác có tên khoa học là Clematis vitalba cũng được gọi là mộc thông. Tuy nhiên, loại này có thể gây nguy hiểm khi dùng, nên cần thận trọng để tránh uống nhầm.

1.1. Mô tả thực vật

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Uy linh tiên là một loại dây leo bụi, bán hóa gỗ, với các đặc điểm nổi bật như sau:

  • Thân cây: Cây nhỡ mọc trườn, thường mọc thành bụi, thân nhẵn, có cạnh và khía dọc.
  • Lá cây: Thuộc loại lá kép mọc đối, mỗi lá có 5 lá chét hình bầu dục, đầu nhọn, gốc lá tròn hoặc hình tim. Hai mặt lá có lông thưa, cuống lá dài và xoắn vặn.
  • Hoa: Hoa trắng mọc thành cụm ở kẽ lá, cụm hoa có hình xim. Có đài hoa có 5 răng và có lông ở mép. Nhị hoa dài và nhiều.
  • Quả: Thuộc loại quả bế, hình trứng dẹt. Đầu quả có một vòi nhụy dài gấp 6–10 lần bầu, nhụy có lông màu vàng nhạt.
  • Mùa hoa và quả:
    • Hoa nở từ tháng 6 đến tháng 8.
    • Quả chín từ tháng 9 đến tháng 11.

Hình ảnh Hoa của cây Ruột gà

1.2. Phân bố và sinh trưởng

Uy linh tiên phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao với khí hậu mát mẻ, ở Trung Quốc, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cây thích nghi tốt với điều kiện đất ẩm, tơi xốp và thường mọc dại ở các khu vực rừng rậm, ven suối hoặc chân núi.

2. Bộ phận dùng-Thu hái,chế biến:

Bộ phận dùng: Chủ yếu là rễ cây và một phần thân cây.

Thu hái: Dược liệu có thể được thu hái quanh năm, nhưng rễ cây có chất lượng tốt nhất khi thu hái vào mùa thu.

Rễ uy linh tiên

3. Thành phần hóa học:

Dựa trên các tài liệu y học và nghiên cứu hiện có, thành phần hóa học của cây Uy linh tiên (Clematis chinensis) bao gồm:

  • Saponin triterpenoid: Đây là nhóm hợp chất chính trong rễ cây, với các aglycone thuộc loại triterpenoid oleanane 5 vòng, bao gồm oleanolic acid, olean-3β, 28-diol, hederagenin và hederagenin-11,13-dien. Các nhóm glycosyl liên kết bao gồm glucose, rhamnose, galactose, arabinose, xylose và ribose.
  • Flavonoid: Hơn 50 hợp chất flavonoid đã được phân lập từ Clematis, với các aglycone chính như apigenin, kaempferol, luteolin và quercetin. Các flavonoid này được phân loại thành flavonol, flavon, flavanone, isoflavone và glycoside.
  • Alkaloid: Bao gồm các loại như aporphin và terpenoid alkaloid
  • Glycoside: Rễ chứa clematoside, ranunculin, protoanemonin và anemonin.
  • Axit hữu cơ: Bao gồm oleanolic acid và acid chrysophanic.
  • Tinh dầu: Có chứa anemonol, góp phần tạo nên mùi thơm nhẹ đặc trưng của dược liệu.
  • Sterol: Như daucosterol.
  • Đường và polysaccharide: Bao gồm các loại đường đơn và phức hợp.

Các thành phần này đóng góp vào tác dụng dược lý của Uy linh tiên, như giảm đau, chống viêm và kháng khuẩn.

4. Tác dụng – Công dụng

*Theo YHCT:

Theo y học cổ truyền, dây ruột gà có vị cay, mặn, tính ấm,

Tác dụng: có tác dụng khu phong, hành khí, trừ thấp, chỉ thống,

Công dụng: chữa các chứng đau nhức, co duỗi khó khăn, tê bại, viêm khớp dạng thấp, thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác.cụ thể:

– Thông kinh lạc;

– Chữa đau nhức xương, phong thấp (lưng, gối, chân);

– Chữa bụng kết hòn tích đọng, tiêu hóa kém;

– Công dụng lợi tiểu;

– Lợi sữa, trị kinh nguyệt không đều;

– Giải độc rượu;

– Chữa thiên đầu thống;

– Chữa vàng da, sốt rét;

* Theo y học hiện đại:

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về hoạt tính của Uy linh tiên (Clematis chinensis) đã chứng minh tác dụng của cây ruột gà tốt đối với sức khỏe con người như sau:

  • Chống ung thư: Hoạt chất saponin trong Uy linh tiên có khả năng tiêu diệt tế bào khối u EAC, S 180 A và Hep A trên chuột thí nghiệm.
    Nguồn: Journal of Chinese Medicinal Materials.
  • Hạ huyết áp: Chiết xuất nước của cây giúp hạ huyết áp qua cơ chế tiết histamin, xác nhận qua thí nghiệm in vivo và in vitro.
    Nguồn: The American Journal of Chinese Medicine.
  • Kháng viêm: Ít nhất 11 hoạt chất trong Uy linh tiên có tác dụng ức chế enzyme COX-1 và COX-2, giúp giảm viêm.
    Nguồn: Phân tích hóa học.
  • Chống oxy hóa: Cây giúp loại bỏ gốc tự do, giảm MDA và bảo vệ gan khỏi tổn thương oxy hóa.
    Nguồn: China Journal of Traditional Chinese Medicine and Pharmacy.

5.Các bài thuốc chữa bệnh từ cây Uy Linh Tiên (Ruột gà)

5.1 Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp

  • Bài thuốc 1: 12g rễ ruột gà, 8g phụ tử chế, 8g quế chi, 8g độc hoạt. Sắc trong 500ml nước đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Liệu trình 15 ngày.
  • Bài thuốc 2: 12g rễ ruột gà, 10g thổ phục linh, 10g phòng kỷ. Tán nhỏ, hãm nước uống thay trà hàng ngày.
  • Bài thuốc 3: Rễ ruột gà, thạch cao, cốt toái bổ, sinh địa, kê huyết đằng, rau má, đan sâm, khương hoạt, hy thiên, thiên hoa phấn, thổ phục linh, bạch chỉ, cam thảo. Sắc trong 500ml nước đến 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, liệu trình 3 tuần.

Cây ruột gà chữa đau nhức xương khớp

5.2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy

Dùng rễ ruột gà (12g), đương quy, hoàng kỳ, sinh khương, bạch thược, mộc qua, độc hoạt, cát cánh, đại táo, quế chi, cam thảo.

Sắc trong 800ml nước đến 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình 1 tuần.

5.3. Bài thuốc chữa nấc cụt

Dùng 30g rễ ruột gà và mật ong, hãm với nước sôi, uống khi còn nóng.

5.4. Bài thuốc trị nhức mỏi lưng khi lao động nặng

Dùng độc hoạt, rễ ruột gà, đan sâm, ngưu tất, tang ký sinh, quế chi, phòng phong, chỉ xác, tế tân, trần bì. Sắc trong 500ml nước đến 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình 2 tuần.

6 .Những lưu ý khi dùng thuốc Uy linh tiên

  • Tính an toàn: Uy linh tiên là vị thuốc ít độc, nhưng trong rễ cây có chất protoanemonin có thể gây kích ứng da, phồng rộp nếu tiếp xúc lâu. Dùng liều cao có thể gây xuất huyết dạ dày hoặc tử vong. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Kiêng kị: Không uống trà hoặc ăn canh miến khi dùng Uy linh tiên.
  • Chống chỉ định:
    • Người huyết hư, gân co không phải do thực tà, phong thấp không nên dùng.
    • Người suy nhược, khí huyết hư cần thận trọng.
  • Phân biệt: Uy linh tiên còn được gọi là mộc thông, nhưng có nhiều cây khác cũng mang tên này, ví dụ như cây khố rách.
  • Thay thế: Rễ cây bạch hạc (Nam uy linh tiên) có thể thay thế cho rễ Uy linh tiên.
  • Lựa chọn: Nên chọn cây có rễ sợi đều, thịt rễ trắng, khô và chắc.
  • Liều lượng: Không dùng quá liều và không dùng lâu dài. Dùng quá nhiều có thể gây hại cho khí huyết.

Kết luận

Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Cây Uy linh tiên (Clematis chinensis) là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền Việt Nam, với nhiều tác dụng dược lý đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị các bệnh về xương khớp, đau nhức, viêm và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, cần chú ý đến những tác dụng phụ có thể xảy ra nếu sử dụng không đúng liều lượng.

Với sự phát triển của khoa học dược học hiện đại, cây Uy linh tiên có tiềm năng lớn trong việc được nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác dụng và các phương pháp bào chế mới. Các nghiên cứu dược lý, thử nghiệm lâm sàng và cải tiến quy trình chế biến sẽ giúp xác định rõ hơn hiệu quả và mức độ an toàn của thuốc, mở ra hướng phát triển mới trong việc ứng dụng cây thuốc này trong điều trị các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh về xương khớp và viêm nhiễm.

Trong tương lai, với sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, cây Uy linh tiên có thể trở thành một phần quan trọng trong các phương pháp điều trị tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc Tây. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ giúp phát triển và phổ biến vị thuốc này trong cộng đồng./.

DsCKI.Nguyễn Quốc Trung

Có thể bạn quan tâm

Một số bài thuốc đông y điều trị bệnh từ vị thuốc Khương hoạt

Khương hoạt là một loài cây sống lâu năm toàn cây có mùi thơm đặc …