Danh mục
Trang chủ >> Tây Y >> Silymarin: Thuốc giải độc gan và những lưu ý khi sử dụng

Silymarin: Thuốc giải độc gan và những lưu ý khi sử dụng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Gan là cơ quan rất quan trọng với nhiệm vụ ngăn chặn và chuyển hóa các chất độc được đưa vào cơ thể như thức ăn, khói, bụi, rượu, bia, thuốc lá, thuốc chữa bệnh để đào thải ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể tiếp xúc quá nhiều với các chất độc hại sẽ khiến gan làm việc quá tải. Giải độc cho gan là việc rất cần thiết để tránh chất độc tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt là ở gan sẽ gây ra các bệnh lý về gan.

Silymarin là thuốc gì?

Dược sĩ CKI NGuyễn Hồng Diễm –  giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ, Silymarin là chế phẩm viên được sản xuất từ hỗn hợp các silibinin, silidianin, silichristin và một số dẫn chất flavonol khác chiết xuất từ quả Cúc gai. Thuốc thường dùng hỗ trợ bảo vệ tế bào gan, giải độc cho gan khi bị nhiễm độc gây tổn thương tế bào gan do các tác nhân như nhiễm độc từ thực phẩm, nhiễm độc hóa chất, nhiễm độc do rượu, nhiễm độc do dùng thuốc chữa bệnh.

Silymarin có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giúp tăng cường chức năng của các cấu trúc xung quanh và bên trong tế bào gan, giúp phục hồi chức năng gan, làm tăng hiệu quả chức năng thải độc của gan.

Tác dụng bảo vệ tế bào gan và giải độc gan của Silymarin bằng cách chống lại các chất oxy hóa, vô hiệu hóa các gốc tự do gây hại khi cho gan bị tổn thương, giúp duy trì sự ổn định màng tế bào gan, ngăn chặn chất độc nhiễm vào trong tế bào gan, tăng cường quá trình tổng hợp protein, thúc đẩy phục hồi các tế bào gan đang bị tổn thương và kích thích sự phát triển của những tế bào gan mới, làm giảm nồng độ men gan, ức chế sự hình thành các tổ chức xơ, ngăn chặn nguy cơ dẫn đến xơ gan. Đồng thời, thuốc Silymarin có tác dụng phục hồi chức năng gan và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.

Dạng thuốc và hàm lượng của Silymarin như thế nào?

Thuốc Tây y  Silymarin được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như Viên nén hoặc Viên nang có hàm lượng 70 mg, 140 mg, 150 mg.

Một số biệt dược Generic: Liverstad, Silygamma, Fynkhepar Tablet, Legalon Protect Madaus, Legalon , Carsil , Livosil , PM-Syrin, Hepadays, Samarin , Sicviga, Argmagi , A.T Silymarin, Kehl, HergaminDHT , Medi-Silymarin, Doglitazon, Motuzen, Cbiregutin Tablet, Phabadarin , Silymarin, Silymarin VCP, Safegan , Amisea, Hepaqueen gold, Silymax, Silymax-F, Hepaqueen Plus, Welliver , Eblamin, Silgran, Liverton , Cadimarin, Sunloc, Abgalic Fort, Anbaliv, Aulev-S, Syhepa, Livermarin, Hepa-Nic.

Thuốc Silymarin dùng cho những trường hợp nào?

Hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, tổn thương gan do nhiễm độc, gan nhiễm mở và suy gan.

Bảo vệ tế bào gan và phục hồi chức năng gan cho những người bị nhiễm độc gan do uống nhiều rượu bia, nhiễm độc từ thực phẩm, nhiễm độc hóa chất, nhiễm độc từ nấm.

Hỗ trợ bảo vệ tế bào gan cho người đang dùng các thuốc điều trị bệnh có gây độc cho gan như thuốc kháng lao, thuốc trị ung thư, thuốc trị đái tháo đường, thuốc giảm đau kháng viêm,…

Hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng gan với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, dị ứng, mẫn ngứa.

Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị xơ gan và ung thư gan.

Không dùng Silymarin trong điều trị nhiễm độc cấp tính.

Cách dùng và liều lượng của thuốc Silymarin như thế nào?

Thuốc Silymarin dùng đường uống với nước lọc trước hoặc trong bữa ăn.

Liều dùng khuyến cáo cho người lớn và trể em trên 12 tuổi: uống 2 viên (140mg)/lần, dùng 2-3 lần/ngày.

Liều dùng trên mang chất tham khảo cho người dùng thuốc. Tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến tứ vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ để có liều dùng phù hợp, an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách xử lý nếu quên liều thuốc Silymarin?

Nếu quên một liều Silymarin, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ.

Người bệnh làm gì khi dùng quá liều thuốc Silymarin?

Nếu dùng quá liều Silymarin. Người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị triệu chứng và đồng thời sử dụng các biện pháp thích hợp để loại bỏ phần thuốc còn chưa được hấp thu ở đường tiêu hoá.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc Silymarin?

Theo các Dược sĩ Cao đẳng DượcThuốc Silymarin không sử dụng cho những trường hợp như: Quá mẫn với Silymarin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc; Người mắc các bệnh lý gan mật như suy tế bào gan nặng, viêm tắc đường mật; Trẻ em dưới 12 tuổi; Người bị bệnh đái tháo đường; Phụ nữ có thai; Phụ nữ cho con bú.

Silymarin không dùng cho trường hợp có tiền sử mẫn cảm với quả Cúc gai (milk thistle) hoặc với các cây thuộc họ Cúc.

Thận trọng với ngườ bệnh đái tháo đường. Vì Silymarin có thể gây giảm đường huyết. Do đó cần giám sát khi dùng cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc đường huyết thấp và bệnh nhân đang sử dụng các chế phẩm có tác dụng đối với nồng độ đường máu.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Silymarin, người bệnh cần phải tránh xa các nguyên nhân gây tổn thương gan như rượu, thuốc lá,…

Thận trọng với các trường hợp biến đổi bất thường như vàng da, tròng trắng mắt có màu vàng. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Silymarin cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

Thuốc Silymarin có thể gây ra các tác dụng phụ nào?

Thuốc Silymarin thường có dung nạp tốt. Một số tác dụng phụ thường hiếm gặp khi dùng thuốc như đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, khó tiêu, đầy hơi, chóng mặt, ngứa, mệt mỏi.

Trong quá trình sử dụng thuốc Silymarin, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Silymarin thì cần xin ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để có thể xử trí kịp thời.

Thuốc Silymarin tương tác với các thuốc nào?

Thuốc Silymarin có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc khác mà bạn đang dùng chung hoặc có thể làm tăng các tác dụng phụ thuốc.

Khuyến cáo người bệnh không dùng thuốc Silymarin chung với thuốc Levodopa hoặc Metronidazole.

Ngoài ra, thuốc Silymarin có thể gây ra tương tác với một số thuốc chữa bệnh khác như thuốc điều trị bệnh tai biến mạch máu não, thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt; thuốc gây tê; thuốc gây mê.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Silymarin và hạn chế tình trạng tương tác thuốc xảy ra, tốt nhất là bạn nên thông báo cho bác sĩ kê đơn biết bạn đang dùng những thuốc nào kể cả thuốc thảo dược hay thực phẩm chức năng. Bạn không nên tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Thuốc Silymarin tương tác với thực phẩm nào?

Người bệnh không nên uống nhiều rượu bia trong thời gian dùng thuốc Silymarin. Vì một số thực phẩm, rượu, bia và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ thước khi sử dụng thuốc Silymarin.

Bảo quản thuốc Silymarin như thế nào?

Silymarin bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30°C, khô thoáng, tránh tiếp xưc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

Thông tin của bài viết trên mang tính chất tham khảo cho người dùng thuốc. Người bệnh không tự ý dùng thuốc Silymarin, nên xin ý kiến tư vấn hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Silymarin.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/search.php?searchterm=Silymarin+&sources%5B%5D=
  2. Micom: https://www.mims.com/philippines/drug/info/silymarin?mtype=generic

Có thể bạn quan tâm

Có những loại Canxi nào và bổ sung như thế nào?

Canxi là khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của xương và răng, có …