Danh mục
Trang chủ >> Đông Y >> Rau Tàu bay – Rau dại, vị thuốc quý ít ai được biết tới

Rau Tàu bay – Rau dại, vị thuốc quý ít ai được biết tới

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cây cải Tàu bay, còn được gọi là cải đất, cải trời, là một loại cây thường mọc dại. Nhiều người thường nhầm lẫn chúng chỉ là một loại cỏ dại mà không hề biết rằng loại cây này có thể được sử dụng làm thực phẩm và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng tôi tìm hiểu về các tác dụng – công dụng của cây cải tàu bay này.

Hình ảnh cây Cải Tàu bay

Đặc điểm chung của dược liệu

Tên gọi khác: Cây kim thất, Cải trời, Cải đất, Ngải Rét, Lảo Lộc, Sra Tây…

Tên khoa học: Gynura crepidioides Benth, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Crassocephalum crepidioides – thuộc họ Cúc (Asteraceae).

1.1.Mô tả thực vật

Là loại rau có thân thảo mập, có rãnh mọc đứng, cao khoảng 0,4 m đến 1 m. Rễ cái có màu trắng hoặc nâu.

Lá to, mỏng, hình trứng dài, mép có răng cưa to hoặc có khía, có mùi thơm.

Hoa lưỡng tính, tự hình đầu, hợp thành ngù, màu từ hồng nhạt đến đỏ và đỏ nâu, có mào lông mịn, trắng và mềm. Hoa thường nở từ tháng 9 đến tháng 2 và kết trái từ tháng 10 đến tháng 3.

Quả bé có mào lông. Đầu nhụy hoa khô biến thành những túm bông nhẹ, chứa hạt sẽ khuếch tán theo gió đến những vùng đất dễ sinh trưởng để tạo mầm thành cây non.

Hình ảnh các bộ phận của cây rau Tàu bay

1.2. Phân bố, sinh trưởng

– Theo Dược sĩ CKI – giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Cây rau Tàu bay thường phát triển ở những vùng khí hậu nhiệt đới như Châu Á và một số nơi ở Châu Phi, cũng như các bán đảo phía Đông Nam Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, cây mọc tự nhiên và phổ biến ở các bìa rừng, khe suối, và khu vực đồi núi. Do hạt của cây dễ dàng phát tán theo gió, nên cây có thể tìm thấy ở khắp nơi.

– Là loài cây một năm, thích hợp với đất ẩm, phân bố rộng rãi và có thể mọc ở những nơi có độ cao lên đến 2.500 m. Cây có thể tái tạo bằng hạt nảy mầm hoặc bằng thân cây.

– Chu kỳ sinh trưởng: Hoa nở từ tháng 9 đến tháng 2, ra quả từ tháng 10 đến tháng 3. Khi hoa khô, đầu nhụy biến thành các túm bông nhẹ, giúp hạt dễ dàng khuếch tán theo gió đến các vùng đất thuận lợi để nảy mầm.

– Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, rau Tàu bay trở nên phổ biến vì ở những vùng rừng núi, nó là một nguồn thực phẩm quan trọng thay thế rau xanh cho quân đội và dân cư. Mặc dù được gọi là rau nhưng thực tế đây là một loài cỏ dại, không phù hợp để trồng làm rau do nguồn gốc hoang dã và độc tính. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, rau Tàu bay thường được sử dụng như một thực phẩm thay thế để bổ sung dinh dưỡng.

Ngoài ra, trong y học cổ truyền, rau Tàu bay cũng được sử dụng làm dược liệu. Văn thơ cũng thường đề cập đến rau này như một biểu tượng của cuộc sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nơi mọi người tận dụng mọi nguồn tài nguyên có sẵn để tồn tại.

Và nó đã đi vào trong thơ ca, văn học:

Anh đã sống những tháng năm hào hứng

Ăn rau tàu bay, hát vỗ nhịp vào báng súng

                                                           (Về làng – Trần Đăng Khoa)

Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới

Rau “tàu bay” không muối cũng thành canh…

                                                                     (Đêm tháng năm – Văn Thảo Nguyên)

Bộ phận sử dụng và thu hoạch, chế biến

Bộ phận được sử dụng: Lá và ngọn cây rau Tàu bay.

Thời gian thu hoạch: Quanh năm.

Chế biến: Sau khi hái, người dân rửa sạch bụi bẩn và phơi khô.

Bảo quản: Bảo quản ở nhiệt độ từ 25 – 28 độ C, tránh để nơi ẩm ướt.

Thành phần hóa học và dinh dưỡng

Cây rau Tàu bay tươi có hàm lượng nước rất cao, chiếm hơn 80%. Ngoài ra, cây còn chứa các hoạt chất như protit, gluxit và một số vitamin. Dưới đây là chi tiết về thành phần dinh dưỡng của cây rau Tàu bay non:

Hàm lượng nước: 93,1%

Protit (Protein): 2,3-2,5%

Gluxit (Carbohydrates): 1,7-1,9%

Xenluloza (Cellulose): 1,6%

Canxi: 81 mg%

Phosphor: 25 mg%

Caroten: 3,4 mg%

Vitamin C: 10 mg%

Dầu xuất không protein: 3,7%

Khoáng toàn phần: 0,9%

Cây rau Tàu bay có giá trị dinh dưỡng tốt và không chứa các chất độc gây phá hủy hồng cầu hoặc làm hại máu.

Nghiên cứu về công dụng của rau Tàu bay

Năm 2005, hai nhà nghiên cứu Yoko Aniya, Tomoyuki Koyama cùng các cộng sự tại Phòng thí nghiệm Dược lý phân tử, Trường Cao học Y khoa, Đại học Ryukyus, Nishihara, Okinawa, Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu về khả năng bảo vệ tế bào gan của cây rau Tàu bay.

– Thử nghiệm và kết quả

+ Đối tượng nghiên cứu: Thử nghiệm được tiến hành trên chuột.

+ Phát hiện chính: Nghiên cứu chứng minh rằng cây rau Tàu bay chứa một hàm lượng chất chống oxy hóa mạnh.

+Tác dụng bảo vệ gan: Chất chống oxy hóa trong cây rau Tàu bay giúp chống lại nhiễm độc gan do LPS (lipopolysaccharide) hoặc CCl4 (carbon tetrachloride).

– Công bố kết quả & Ý nghĩa của nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải công khai trên trang Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, xác nhận khả năng bảo vệ gan của cây rau Tàu bay nhờ vào các chất chống oxy hóa có trong cây. Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của cây rau Tàu bay trong việc hỗ trợ điều trị và bảo vệ gan, mở ra cơ hội cho các ứng dụng y học và dược phẩm liên quan đến cây rau này.

Tác dụng – Công dụng

* Theo y học cổ truyền:

Theo đông y Việt Nam, cây cải trời có vị đắng, mùi thơm, tính bình,

Với tác dụng: Thanh can hỏa, Giải độc tiêu viêm Tán uất, tiêu hòn cục,Cầm máu, sát trùng

Một số công dụng chính theo kinh nghiệm dân gian:

– Bổ sung dưỡng chất và vitamin cho cơ thể: Cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu.

– Giải độc và bảo vệ gan: Hỗ trợ giải độc gan, hạ men gan và bảo vệ tế bào gan.

– Hỗ trợ điều trị bướu lành, bướu cổ: Giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ trị các loại bướu lành.

– Điều trị u xơ, phì đại tuyến tiền liệt

Phòng ngừa ung thư: Nhờ chứa các chất chống oxy hóa mạnh.

*Vai trò chữa bệnh:

– Phối hợp dinh dưỡng: Vì rau tàu bay có hàm lượng sắt thấp, cần phối hợp với các loại rau khác giàu sắt như bí đỏ, rau muống để bổ sung dinh dưỡng.

– Chữa cảm sốt và hạ nhiệt: Cả cây phơi khô thường được dùng làm thuốc trị cảm sốt, hạ nhiệt, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu.

– Trị giun và mụn nhọt: Dịch lá có tác dụng trừ giun, thu liễm, giã đắp trị mụn nhọt.

– Hỗ trợ giảm cân: Hàm lượng chất xơ cao giúp nhuận tràng, hạn chế quá trình hấp thu chất béo, hữu ích cho người béo phì hoặc muốn giảm cân.

– Chống oxy hóa: Chứa lượng lớn vitamin A và C, có tác dụng chống oxy hóa, khử gốc tự do.

– Sử dụng trong y học ở Đông Nam Á và Nam Á:

+ Ấn Độ: Cải trời có vị đắng, chát, làm se, tác dụng giải nhiệt, cầm máu, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, trị bệnh mắt, bổ gan, trừ đờm, hạ sốt, kích thích và lợi tiểu. Rễ có tác dụng trừ tả. Lá cây được dùng để trị đau bụng và lọc sạch nước uống.

+ Java: Chồi non nấu canh ăn, dùng làm thuốc trị tràng nhạc, nhọt lở, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam, tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, mất ngủ, đái vàng và nóng.

+ Malaysia: Dùng cây cải trời trong chế tạo tinh dầu thơm để xua đuổi sâu bọ.

* Vai trò trong thực phẩm

Cây rau Tàu bay không chỉ là một vị thuốc quý với nhiều công dụng đáng chú ý trong y học cổ truyền và dân gian mà còn một loại rau sạch

Theo nghiên cứu khoa học, cây cải trời chứa 0,085% tinh dầu màu vàng, trong đó có 66% cineol, 10% fenchon và khoảng 6% citral. Điều này khiến cây rau Tàu bay không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là nguyên liệu chế biến cho nhiều món ăn thơm ngon trong thực đơn hàng ngày. một số cách sử dụng phổ biến của cây rau Tàu bay trong ẩm thực dưới đây là:

  1. Ăn sống:

Cải trời non có thể được dùng để ăn sống, kết hợp với các loại rau rừng khác.

Thích hợp khi ăn sống với cháo nóng hoặc chấm với thịt, cá kho.

  1. Luộc: Cải trời có thể luộc riêng hoặc luộc chung với các loại rau rừng khác.
  2. Xào: Cải trời thường được xào với các loại thịt như trâu, bò, vịt, chim rừng, rắn, ếch, nhái.
  3. Nấu canh và lẩu: Cải trời thường được sử dụng trong các món canh hoặc lẩu, kết hợp với cá bầm vò viên, thịt cua, tép, xương ống và nhiều nguyên liệu khác.

Cải trời không chỉ là một nguồn dinh dưỡng quan trọng mà còn là một loại rau phổ biến trong ẩm thực với sự đa dạng trong cách sử dụng và chế biến.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây rau Tàu bay

6.1. Chữa sốt

Lấy Khoảng 10 – 15g rau tàu bay khô.

Đem sắc lấy nước uống. Uống liên tục trong 2 – 3 ngày để giảm sốt.

Rau Tàu bay chữa sốt rất hiệu quả

6.2. Cầm máu, kháng khuẩn, kháng viêm, chữa lành vết thương

Dùng Rau tàu bay tươi đã rửa sạch.

Đem đi giã nát và đắp lên vùng xương khớp đau nhức hoặc vị trí sưng viêm do vết thương.

6.3. Giải độc cơ thể, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tiểu đường

Dùng cây tươi nấu canh hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng rau tàu bay nấu canh hoặc luộc ăn 2 – 3 lần mỗi tuần,

để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tiểu đường.

6.4. Chữa tiêu chảy

Lá rau tàu bay tươi hoặc phơi khô, khoảng 15g.

Sắc lấy nước và cho trẻ tiêu chảy uống mỗi ngày để giảm triệu chứng.

6.5. Điều trị bướu cổ

Rau tàu bay khô 30g, cây xạ đen khô 30g.

Sắc với 1,2 lít nước, đun cạn còn 500ml chia 3 lần uống trong ngày.

6.6. Điều trị phì đại tuyến tiền liệt:

Rau tàu bay khô 30g, náng hoa trắng 10g-15g.

Đun nước uống hàng ngày.

6.7. Một số bài thuốc khác

– Dân gian thường dùng lá tươi giã nát hoặc nhai nát đắp lên những vết rắn, rết cắn để giảm đau và hỗ trợ làm lành vết thương.

– Ở Campuchia, người ta sử dụng rau tàu bay để trị các biến chứng sau khi sinh.

Những lưu ý khi sử dụng

Theo giảng viên tại trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Mặc dù rau Tàu bay mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có tác dụng hỗ trợ chữa trị một số bệnh, nhưng khi sử dụng, ta cần lưu ý những điểm sau:

– Tránh sử dụng quá nhiều rau Tàu bay vì chúng có hàm lượng sắt thấp.

– Khi nấu canh rau này, nên hớt hết dầu thừa để khử mùi hăng.

– Rau Tàu bay không gây hại máu, ngược lại, thường xuyên sử dụng có thể ngăn ngừa ung thư.

– Tránh ăn quá nhiều rau tàu bay để không gây tình trạng thiếu máu; có thể kết hợp với chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt.

– Sử dụng đa dạng loại rau để tránh nguy cơ sỏi thận; nhưng cần kiểm chứng các ý kiến này bằng khoa học.

– Bài thuốc từ rau tàu bay chỉ là phương pháp hỗ trợ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Tóm lại, cây rau Tàu bay thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá, không chỉ là một loại cỏ dại mọc ven bờ ven bụi như nhiều người vẫn nghĩ. Với vai trò là thực phẩm phổ biến và là thảo dược quý, nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, khi dùng chúng ta cần sử dụng nó một cách có hiểu biết và cân nhắc, tránh sử dụng quá mức hoặc theo các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn./.

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung

Nguồn: thaythuoc.edu.vn

Có thể bạn quan tâm

Cây Vảy tê tê: Vị thuốc trị ho ra máu, tiểu ra máu

Là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền. Cây Vảy tê tê …