Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp cần được sử dụng thuốc kịp thời, liên tục và đều đặn, nếu không biết cách dùng sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Thầy thuốc cho biết, đối với từng loại thuốc sẽ có cách sử dụng khác nhau.
Captopril
Captopril là chất ức chế enzym chuyển dạng angiotensin I, được dùng trong điều trị tăng huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của captopril xảy ra trong khoảng 60 – 90 phút sau khi uống liều thứ nhất. Thời gian tác dụng phụ thuộc vào liều: Sau một liều bình thường, tác dụng thường duy trì ít nhất 12 giờ. Trong điều trị tăng huyết áp, đáp ứng điều trị tối đa đạt được sau 4 tuần điều trị. Tác dụng hạ huyết áp không phụ thuộc vào tư thế đứng hay nằm.
Khi dùng thuốc hạ huyết áp tư thế (hạ huyết áp thế đứng) thường ít gặp, nhưng có thể xảy ra, đặc biệt ở người có thể tích máu giảm nên người dùng cần thận trọng. Các tác dụng không mong muốn thường gặp là chóng mặt, ngoại ban (khoảng 2%) và ho. Các phản ứng này thường phụ thuộc vào liều dùng và liên quan đến những yếu tố biến chứng như suy thận, bệnh mô liên kết ở mạch máu ở người bệnh.
Propranolol
Là thuốc chống tăng huyết áp chẹn beta-adrenergic không chọn lọc. Ở người bệnh tăng huyết áp thuốc gây tăng nhẹ kali huyết. Không dùng thuốc cho các trường hợp sốc tim, hội chứng Raynaud, nhịp xoang chậm và blog nhĩ thất độ 2 – 3, hen phế quản, bệnh nhược cơ…
Hầu hết tác dụng không mong muốn của thuốc thường nhẹ và thoáng qua, rất hiếm khi phải ngừng thuốc Tây Y. Các tác dụng phụ có thể xảy ra (ít gặp) như nhịp chậm, suy tim sung huyết, blog nhĩ thất, hạ huyết áp, ban xuất huyết giảm tiểu cầu. Một số tác dụng với thần kinh thường hồi phục khi ngừng thuốc. Khi điều trị kéo dài với liều cao có thể gặp: đau đầu nhẹ, chóng mặt, mất điều hòa, dễ bị kích thích, giảm thính giác, rối loạn thị giác…
Liều lượng của thuốc dựa trên đáp ứng của mỗi cơ thể nên người bệnh cần đi khám bệnh để được dùng thuốc cho phù hợp. Có thể dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu (theo chỉ định của bác sĩ). Thời gian để đạt được đáp ứng hạ áp từ vài ngày tới vài tuần.
Trong quá trình điều trị nếu có bất thường trong quá trình dùng thuốc hoặc dùng thuốc mà vẫn không kiểm soát được huyết áp, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý, điều chỉnh thuốc hoặc thay thuốc kịp thời, thích hợp…
Methyldopa
Là thuốc chống tăng huyết áp thuộc loại liệt giao cảm. Thuốc làm giảm huyết áp cả ở tư thế đứng và tư thế nằm, không có ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng thận và tim. Tác dụng giảm huyết áp có thể được duy trì cả ở những người bệnh suy thận. Khi dùng thuốc này hiếm gặp các triệu chứng hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp trong lúc hoạt động và thay đổi huyết áp nhiều trong ngày.
Methyldopa có thể được sử dụng kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác, đặc biệt là thuốc lợi niệu thiazid hoặc các thuốc chẹn beta.
Khi dùng thuốc này có thể gây buồn ngủ, nên người bệnh không nên lái xe hoặc đứng máy, làm việc cần có sự tỉnh táo. Thuốc có thể dùng cho người tăng huyết áp do mang thai gây ra. Không nên dùng thuốc cho người cho con bú (vì thuốc bài thiết vào sữa mẹ có thể gây nguy cơ đối với trẻ).
Các tác dụng phụ thường gặp nhất là an thần (tác dụng an thần có thể xảy ra ở lúc bắt đầu dùng thuốc hoặc khi tăng liều, nhưng tác dụng không mong muốn này sẽ hết khi thực hiện điều trị duy trì), chóng mặt và khô miệng. Hiện tượng nhức đầu thường xuất hiện khi mới điều trị sau hết hẳn. Thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp khi đứng, phù và giảm tình dục.
Amlodipin
Đây là thuốc có tác dụng chẹn canxi qua màng tế bào, được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Thuốc có tác dụng chống tăng huyết áp bằng cách trực tiếp làm giãn cơ trơn quanh động mạch ngoại biên. Do không có ảnh hưởng xấu đến nồng độ lipid trong huyết tương hoặc chuyển hóa glucose nên có thể dùng amlodipin để điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường.
Tin tức Y Dược khuyến cáo khi dùng thuốc cần lưu ý, ở động vật thực nghiệm thuốc có thể gây quái thai ở dạng dị tật xương. Vì vậy, tránh dùng amlodipin cho người mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc là phù cổ chân từ nhẹ đến trung bình (liên quan đến liều dùng), nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt và có cảm giác nóng, mệt mỏi, suy nhược. Người bệnh có cảm giác đánh trống ngực hoặc buồn nôn, đau bụng khó tiêu hay hạ huyết áp quá mức, nhịp tim nhanh, đau ngực (ít gặp). Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết khi gặp phải các tác dụng không mong muốn này.