Cây Đuôi Tôm, hay Thồm Lồm, là loại thảo dược mọc hoang phổ biến ở nước ta. Dù ít được chú ý, cây này có tác dụng trị bệnh ngoài da, đặc biệt hiệu quả với viêm da do nhiễm liên cầu khuẩn như chốc đầu, chốc mép và eczema nhiễm khẩn …Hãy cùng tìm hiểu thêm về vị thuốc này nhé!
Hình ảnh Cây thồm lồm
1. Đặc Điểm Chung Dược Liệu – Cây Đuôi Tôm (Thồm Lồm)
- Tên gọi khác: Cây Lồm, Lá Luồm, Hỏa Mẫu Thảo, Mía Bẹm, Xích Địa Lợi, Mía Mung.
- Tên khoa học: Polygonum chinense. Họ: Rau răm (Polygonaceae).
1.1. Mô tả thực vật
- Cây Đuôi tôm là Cây thảo sống dai, mọc bò hoặc leo, dài 2-3m, thân nhẵn, có rãnh dọc, màu đỏ nâu.
- Lá: Nguyên, hình bầu dục hoặc thuôn dài, mọc so le. Lá trên nhỏ hơn, gần như không cuống, ôm sát thân. Lá dài 4-7cm, rộng 3-5cm, có bẹ chìa mỏng ôm 2/3 đốt thân.
- Hoa: Cụm hoa dạng chùm xim ở đầu cành, dài 5-7cm, nhiều hoa nhỏ màu trắng, cuống hoa có lông phủ. Hoa nở từ tháng 6-8.
- Quả: Nhỏ, 3 cạnh thuôn dài, hạch cứng ở giữa, chín màu đen vào tháng 9-10.
- Thân: Có vị ngọt, là thức ăn ưa thích của trâu bò.
1.2. Phân bố
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Cây Thồm Lồm phân bố rộng rãi ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Indonesia. Tại Việt Nam, cây mọc hoang dại ở các vùng đồng bằng, rừng thưa, bờ ruộng khô, bụi cây và ven đường.
2. Bộ Phận Dùng, Thu hái và Sơ chế
- Bộ phận dùng: Toàn cây và lá tươi.
- Thu hái: Cây mọc quanh năm, có thể thu hái vào bất kỳ thời điểm nào.
- Sơ chế: Dược liệu có thể dùng tươi hoặc sấy khô để bảo quản và sử dụng sau.
*Bảo Quản
- Dược liệu tươi: Nên sử dụng trong ngày để đảm bảo hiệu quả.
- Dược liệu khô: Bảo quản trong túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát.
3. Thành Phần Hóa Học
Cây Đuôi tôm (Thồm Lồm )chứa nhiều hoạt chất quan trọng, bao gồm:
- Anthraquinon và dẫn xuất: Oxymethylanthraquinon, Rubin, Rheum Emodin.
- Hợp chất khác: Glucosid, Myricyl Alcol.
- Dinh dưỡng: Vitamin C, Caroten.
4. Tác Dụng – Công Dụng
*Theo Y Học Cổ Truyền:
- Tính vị: Cây Thồm Lồm có vị chua, ngọt, tính bình mát.
- Quy kinh: Quy vào các kinh Tỳ, Can, Đại trường.
- Tác dụng chính:
-
- Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc.
- Lương huyết, tiêu phù, lợi niệu.
- Minh mục (sáng mắt), thoái mờ (giảm mờ mắt).
- Chủ trị:
-
- Các bệnh ngoài da: Lở vành tai, mụn nhọt, chốc lở, viêm da.
- Bệnh nội khoa: Viêm gan, viêm ruột, lỵ, đau dạ dày, bạch đới, viêm họng, bạch hầu, ho gà, viêm amidan.
- Các vấn đề khác: Đục giác mạc, kinh phong, ngộ độc (làm thuốc gây nôn), rắn cắn.
- Ở Ấn Độ, cây còn được sử dụng để trị vết thương và bệnh scorbut (thiếu vitamin C).
- Ứng dụng cụ thể:
-
- Điều trị viêm đường ruột, viêm gan, viêm vú, nấm âm đạo.
- Hỗ trợ chữa vết thương, mụn nhọt, rắn cắn.
- Làm thuốc nôn trong trường hợp ngộ độc.
*Theo Y Học Hiện Đại:
- Một số thành phần trong cây Thồm Lồm có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn. Vì vậy, cây được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da như chốc mép, chốc đầu và eczema nhiễm khuẩn.
- Tại Indonesia, nước ép từ cây này được dùng để cải thiện triệu chứng của một số bệnh về mắt.
4. Cách Dùng – Liều Lượng
- Cách dùng:
- Giã nát, chắt nước uống hoặc đắp ngoài.
- Phơi khô, sắc lấy nước uống hoặc dùng rửa ngoài.
- Liều lượng:
- Dùng uống: 12–20g/ngày dưới dạng thuốc sắc.
- Dùng ngoài da: Không giới hạn liều lượng.
Cây Thồm lồm chữa được nhiều bệnh ngoài da
5. Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Thồm lồm
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Cây Thồm lồm được dùng trong một số bài thuốc quen thuộc sau đây:
5.1 Chữa Lở Ngứa
Chuẩn bị: 20g lá cây Thồm Lồm, 8g kim ngân hoa, 15g rau sam, 15g kinh giới.
• Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc, đun sôi với 2 lít nước. Pha ấm để tắm, thực hiện 2 lần/ngày cho đến khi hết ngứa.
5.2 Chữa Mụn Nhọt
Chuẩn bị: 20g toàn cây Thồm Lồm, 10g lá khổ sâm.
• Thực hiện: Sắc chung với 1 thăng nước, lấy 200ml, lọc bỏ bã và uống làm 2 lần/ngày. Kết hợp với giã nát lá Thồm Lồm tươi và đắp lên chỗ bị nhọt 2 lần/ngày.
5.3 Chữa Lỵ
Chuẩn bị: 12g cây Thồm Lồm.
• Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, sao vàng trên chảo nóng. Sắc lấy nước đặc, bỏ bã và uống trong ngày.
5.4 Hỗ Trợ Chữa Bệnh Viêm Gan
Chuẩn bị: 20g cây Thồm Lồm, 10g mộc hương, 10g đại phúc bì, 12g thổ phục linh, 6g hoàng liên, 10g cỏ seo gà, 15g nhân trần, 10g kim tiền thảo.
• Thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm, thêm 800ml nước, đun nhỏ lửa đến khi còn 250ml. Bỏ bã, uống trong ngày chia làm 3 lần, 1 thang/ngày. Liệu trình kéo dài 7–10 ngày.
5.5 Chữa Viêm Nang Lông
Chuẩn bị: 20g cây Thồm Lồm, 15g bồ công anh.
• Thực hiện: Sắc các vị thuốc trên lấy nước đặc, uống nhiều lần trong ngày. Kết hợp dùng lá Thồm Lồm tươi và ô tặc cốt (tỷ lệ 2:1), tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng. Dùng tăm bông chấm thuốc lên vùng da tổn thương 3–4 lần/ngày.
5.6 Chữa Viêm Da Đầu
Chuẩn bị: 100g cây Thồm Lồm, 30g lá thông đuôi ngựa.
• Thực hiện: Đun các vị thuốc trên lấy nước để gội đầu hàng ngày hoặc cách ngày gội 1 lần.
5.7 Chữa Chốc Mép, Chốc Đầu, Chàm Nhiễm Khuẩn
Chuẩn bị: 5kg lá Thồm Lồm tươi.
• Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, sắc cùng 10 lít nước đến khi còn 2 lít. Lọc bỏ bã, cô thành cao. Dùng cao này bôi lên vùng da tổn thương 2-3 lần mỗi ngày. Có thể kết hợp tắm nước lá tươi. Tránh cọ xát mạnh khi tắm hoặc thoa thuốc.
6. Lưu ý khi sử dụng
• Trước khi sử dụng, tham khảo ý kiến thầy thuốc vì nhiều bài thuốc chưa được kiểm chứng khoa học.
• Kiên trì sử dụng vì bài thuốc dân gian có tác dụng chậm.
• Kết hợp chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước và ăn rau quả tươi.
• Hạn chế thực phẩm gây dị ứng như hải sản, đồ cay nóng.
Kết Luận Cây Thồm Lồm là vị thuốc quý trong y học Việt Nam, có tác dụng trị bệnh ngoài da, viêm nhiễm, mụn nhọt, lỵ và viêm gan, đặc biệt ức chế vi khuẩn. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để hạn chế tác dụng phụ. Cần nghiên cứu thêm để xác định tác dụng và phát triển sản phẩm từ cây này.
DsCKI. Nguyễn Quốc Trung