Mất ngủ là vấn đề phổ biến trong xã hội ngày nay, đặc biệt ở người cao tuổi. Có rất nhiều cây thuốc, vị thuốc có tác dụng an thần, hỗ trợ điều trị mất ngủ, trong đó có cây nữ lang…
Đặc điểm sinh học của cây nữ lang
Ở Việt Nam cây nữ lang mọc hoang dại ở các tỉnh phía Bắc, khu vực Trung Trung Bộ, được người dân bản địa sử dụng như một vị thuốc nam rất phổ biến trong các bài thuốc an thần, điều trị mất ngủ.
Cây nữ lang thường mọc trên các dãy núi cao (hơn 1.000m) thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc (khu vực núi cao Sapa ở Lào Cai, vùng núi cao ở Yên Bái, Lai Châu). Mùa xuân cây trổ nhiều lá.
Trong Đông y, rễ cây và thân cây được sử dụng làm thuốc. Từ tháng 9 – 12 hàng năm là thời điểm rễ cây nữ lang phát triển mạnh và có dược tính cao nhất trong năm.
Công dụng của cây nữ lang
Theo bác sỹ Y học cổ truyền Lương Phương Vy hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, cây nữ lang có tác dụng an thần theo từng mức độ, dùng để điều trị chứng mất ngủ khá hiệu quả.
Các hoạt chất của cây nữ lang ngày được ứng dụng nhiều hơn trong y học hiện đại, bởi hiệu quả cao hơn so với các loại thuốc an thần hiện nay, tính an toàn về thảo dược thiên nhiên, nên có thể áp dụng điều trị mất ngủ cho trẻ em.
Công dụng điều trị mất ngủ của cây nữ lang tương đương với nụ hoa tam thất.
Tại Pháp, hàng năm tiêu thụ tới 120 – 180 tấn rễ cây nữ lang để làm thuốc an thần. Từ thời pháp thuộc, người dân tộc Mèo ở vùng núi cao Tây Bắc đã biết sử dụng cây nữ lang để làm thuốc an thần.
Cơ chế về an thần của cây nữ lang: Acid valerenic và các dẫn xuất valepotriates có trong cây nữ lang, sẽ gắn kết vào thụ thể GABA, giúp ngăn chặn đường truyền căng thẳng và bất an đến vùng thần kinh trung ương, hỗ trợ phục hồi quá trình ức chế não bộ, giúp giảm kích thích, tạo cảm giác dễ ngủ hơn.
Sử dụng cây nữ lang để điều trị chứng mất ngủ lâu dài là khá an toàn, không gây ra các tác dụng phụ gây nghiện, sự lệ thuộc thuốc, giảm trí nhớ và tình trạng suy giảm hoạt động thể chất của con người.
Một số tác dụng khác như: Chống co giật (kinh phong), hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, giãn mạch, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành (hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành, các bệnh lý tim mạch, thiếu máu cơ tim), bảo vệ gan, hỗ trợ quá trình điều trị viêm gan B.
Bài thuốc an thần, trị mất ngủ có cây nữ lang
Bài 1: Rễ nữ lang 10g, đổ 300 ml, sắc còn 200 ml, uống ngày 02 lần sáng tối.
Bài 2: Rễ và thân cây nữ lang 15 g, đổ 300 ml, sắc còn 200 ml uống ngày 02 lần sáng tối.
Bài 3: Toàn cây nữ lang 20g, rễ cây trinh nữ 20g, đổ 400 ml, sắc còn 200 ml, uống ngày 02 lần sáng tối.
Bài 4: Rễ và thân cây nữ lang 15g, lạc tiên 20g, đổ 400 ml, sắc còn 200 ml, uống ngày 02 lần sáng tối.
Bài 5: Rễ và thân cây nữ lang 15g, lạc tiên 20g, lá vông 15g, đổ 400 ml, sắc còn 200 ml, uống ngày 02 lần sáng tối.