Hỏi đáp Y Dược: “ Tôi bị bệnh động mạch ngoại vi tôi muốn hỏi dùng thuốc nào để điều trị chứng đau của bệnh và tôi có nên đi bộ không?”
(Lê Hoàng Liêm – Long An)
Bệnh động mạch ngoại vi là gì?
Bệnh động mạch ngoại vi là tình trạng xơ vữa động mạch gây tắc ở động mạch chủ và động mạch các vùng thấp hơn. Bệnh động mạch ngoại vi hay xảy ra ở người lớn tuổi và trong những người có yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, đặc biệt là hút thuốc lá, đái tháo đường.
Cho đến hiện nay việc điều trị nội khoa hoàn toàn không chữa dứt được bệnh mà chỉ làm chậm tiến triển của bệnh. Phẫu thuật chỉ áp dụng ở các trường hợp nặng khi có nguy cơ hoại tử, loét không lành, đau cả khi nghỉ…; người ta sẽ tiến hành nong chỗ hẹp, đặt giá đỡ ở nơi hẹp hoặc phẫu thuật bóc tách mảng xơ vữa, làm cầu nối qua chổ động mạch tắc. Nói chung nguyên nhân gốc là vấn đề xơ vữa động mạch toàn thân nên bệnh sẽ tái phát dù có phẫu thuật.
Muốn điều trị có hiệu quả phải khống chế được các yếu tố nguy cơ: ngưng ngay thuốc lá, kiểm soát tốt bệnh lý đái tháo đường (kiểm soát tốt đường huyết), điều trị rối loạn mỡ máu, kiểm soát tốt huyết áp. Dùng thuốc kháng đông lâu dài để phòng ngừa huyết khối gây tắc mạch, thuốc giảm đau, thuốc giãn động mạch để cải thiện triệu chứng đau cách hồi…
Không phải khi vận động, đi lại bị đau mà phải bất động. Ngược lại bệnh nhân cần phải luyện tập vận động theo hướng dẫn để điều trị chứng đau cách hồi, tránh lối sống tĩnh tại, có chương trình đi bộ đều đặn sẽ cải thiện đáng kể (khuyến cáo đi bộ mỗi ngày từ 40 – 60 phút, đi đến khi đau xuất hiện thì nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục bài tập). Bệnh nhân cần phải được tái khám Thầy thuốc định kỳ mỗi 3 tháng để đánh giá kết quả điều trị, luyện tập cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Khi có triệu chứng nặng phải đi khám ngay để có thể can thiệp kịp thời.
Nếu theo dõi kỹ càng để điều trị có hiệu quả thì biến chứng phải cắt cụt chi sẽ được hạn chế ở mức tối đa. Cắt cụt chi được xem là biến chứng tồi tệ nhất của bệnh và là lý do gây tàn phế cho người bệnh.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn