Cây Si, còn được gọi là cây Gừa hay cây Cừa, là loài cây khá quen thuộc, thường được trồng làm cảnh trong nghệ thuật bonsai. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ, cây Si còn là một vị thuốc quý trong y học dân gian. Vậy cây Si có thể được sử dụng làm thuốc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua những bài thuốc dưới đây.
Mô tả vị thuốc
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Cây Si, còn gọi là cây Gừa hay cây Cừa, thuộc loại cây thân gỗ sống lâu năm, có những cá thể có thể tồn tại đến hàng trăm năm. Khi trưởng thành, cây có thể cao từ 20 đến 25 mét. Thân cây có lớp vỏ ngoài nhẵn, màu trắng xám. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cây Si là hệ thống rễ phụ đặc biệt: các rễ này mọc ra từ thân hoặc cành cao, phát triển kéo dài xuống đất để hút nước và dinh dưỡng. Khi đã chạm đất, chúng tiếp tục lớn lên, hình thành nên những cột rễ vững chắc xung quanh thân chính, khiến cây trở nên đồ sộ và kiên cố hơn.
Lá cây có màu xanh bóng, hình bầu dục và mọc so le. Lá khá to, dài khoảng 10–15 cm, rộng từ 5–6 cm, phần chóp nhọn hoặc hơi tròn. Cuống lá dài từ 1,5 đến 3,5 cm. Lá kèm có lông trắng khi còn non. Quả Si thuộc dạng quả sung, mọc ở đầu cành. Quả non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng, và khi già sẽ có màu tím đen. Mùa hoa quả thường rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 hằng năm.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Bộ phận dùng của cây Si bao gồm: nhựa cây, lá và phần rễ phụ. Các bộ phận này có thể được thu hái quanh năm.
Nhựa cây được chích trực tiếp từ thân, sau đó thường được hòa với rượu để uống. Rễ phụ sau khi thu hái sẽ được sao thơm, dùng để sắc uống hoặc ngâm rượu làm thuốc uống hay xoa bóp. Lá cây có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Hiện tại, cây Si chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học chính thức. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu về loài cây có họ gần với cây Si – loại có lá to hơn nhưng ít được dùng làm thuốc – trong nhựa cây có chứa khoảng 65% nhựa Resin và 30% cao su.
Công dụng của cây Si
Từ lâu trong dân gian, các bộ phận như rễ, nhựa và lá cây Si đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm:
-
Trị vết thương, lở loét ngoài da
-
Chữa chấn thương do va đập, té ngã gây sưng đau, bầm tím
-
Giảm đau nhức xương khớp
-
Hỗ trợ điều trị ho, cắt cơn hen suyễn
-
Chữa viêm amidan, viêm phế quản
-
Giảm sốt, hỗ trợ điều trị cảm cúm
-
Điều trị viêm ruột cấp và kiết lỵ
Một số bài thuốc từ cây Si
Bài thuốc trị vết lở loét
-
Lá cây Si tươi 30g, dầu đậu phộng ½ chén
-
Lá giã nát, đun sôi với dầu đậu phộng. Để nguội rồi thoa lên vùng da bị lở loét.
Bài thuốc trị hen suyễn
-
Dùng 0,01 lít nhựa cây Si hòa với rượu, uống.
Bài thuốc trị đau nhức, bầm tím
-
Rễ cây Si 100g, giã nát với ít nước, sao nóng rồi đắp vào chỗ đau. Phần nước cũng có thể dùng để uống.
Bài thuốc phòng cúm
-
Lá Si và lá Bạch đàn, mỗi vị 30g. Sắc nước uống.
Bài thuốc chữa viêm ruột cấp
-
Lá Si tươi 500g, nấu nước, chia làm hai lần uống trong ngày.
Bài thuốc trị viêm phế quản mạn
-
Lá Si tươi 75g, vỏ quýt 18g. Sắc nước chia ba lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều), dùng liên tục trong 10 ngày.
Lưu ý
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Các vị thuốc dân gian thường rất gần gũi và dễ tìm quanh ta. Cây Si cũng là một trong những dược liệu quý trong kho tàng y học cổ truyền. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả và an toàn, cần xác định rõ tình trạng bệnh lý cụ thể. Việc này nên được thực hiện bởi người có chuyên môn, tránh tự ý sử dụng dẫn đến hậu quả không mong muốn.