Danh mục
Trang chủ >> Đông Y >> Cây Ba gạc: Vị thuốc quý chữa cao huyết áp

Cây Ba gạc: Vị thuốc quý chữa cao huyết áp

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Ba gạc là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, hoạt huyết và giải độc. giúp hạ huyết áp do tác động lên trung ương, làm chậm nhịp tim, đồng thời mang lại hiệu quả an thần và gây ngủ. Ngoài ra, Ba gạc còn hỗ trợ điều trị các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, choáng váng, động kinh, rắn cắn và ghẻ lở. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về loại thảo dược quý này qua bài viết dưới đây

Hình ảnh toàn cây Ba gạc

Đặc điểm chung dược liệu

Tên gọi khác:  La phu mộc, San to, Tích tiên, Ka day (Ba Na)…

Tên khoa học: Rauvolfia verticillata L.  Họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả thực vật

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Cao đẳng Dược cho biết, Cây Ba gạc là loại cây nhỏ, cao từ 1 đến 1,5m, thân nhẵn và có các nốt sần nhỏ do bì khổng.

Lá của cây mọc theo vòng, thường là 3 lá, đôi khi có 4 đến 5 lá, hình mác, dài từ 6 đến 11cm, rộng 1,5 đến 3cm. Phiến lá có hình ngọn giáo, dài 4 đến 16cm, rộng 1 đến 3cm, gốc lá thuôn và đầu lá nhọn.

Hoa có hình ống, màu trắng, phình to ở phần họng, mọc thành xim tán ở kẽ lá và thường nở từ tháng 4 đến tháng 7, thậm chí quanh năm tại các vùng đồng bằng. Loại Ba gạc hoa đỏ (du nhập) cũng có hoa phình ở họng, nhưng mọc thành xim tán ở kẽ lá và nở vào các tháng 6 đến 8.

Quả cây có hình đôi, giống hình trứng, khi chín có màu đỏ tươi. Toàn thân cây đều có nhựa mủ.

Loại Ba gạc trắng ra hoa từ tháng 4 đến tháng 6 và đậu quả từ tháng 7 đến tháng 10.

Còn loại Ba gạc hoa đỏ thường nở từ tháng 6 đến tháng 8, và kết quả từ tháng 9 đến tháng 11.

Phân bố, sinh trưởng

Ba gạc chủ yếu mọc tự nhiên ở các vùng rừng núi, đặc biệt sinh trưởng tốt vào mùa thu và đông.

Ở Việt Nam, cây Ba gạc thường được tìm thấy mọc hoang tại các khu vực rừng núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nam, …

Cây Ba gạc hiện tại, chưa được trồng rộng rãi. Tuy nhiên, cây có thể được nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.

Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của cây Ba gạc được sử dụng làm thuốc là vỏ rễ và rễ (Cortex et Radix Rauvolfiae).

Thu hái: Rễ cây được thu hoạch quanh năm, đặc biệt vào mùa thu và đông. Sau khi đào rễ, người ta rửa sạch đất, sau đó phơi hoặc sấy khô.

Khi thu hoạch và chế biến, cần chú ý bảo vệ lớp vỏ rễ, vì đây là phần chứa nhiều hoạt chất nhất.

Ba gạc vị thuốc quý hỗ trợ chữa trị bệnh cao huyết áp

Thành phần hóa học

Cây Ba gạc chứa nhiều alcaloid (0,8%), trong đó đáng chú ý nhất là reserpin, serpentin, và ajmalin. Alkaloid là thành phần mang hoạt tính sinh học mạnh mẽ nhất trong cây.

Tỷ lệ alkaloid trong rễ là 0,9 – 2,12%, và trong lá là 0,72 – 1,69%.

Reserpine, với công thức hóa học C₃₃H₄₀N₂O₉, là dược chất quan trọng nhất của cây Ba gạc, được sử dụng chủ yếu trong điều trị hạ huyết áp và an thần. Đây là alcaloid quan trọng nhất, đại diện cho dược tính của cây, với tác dụng dược lý xuất hiện chậm nhưng kéo dài.

Ngoài ra, cây Ba gạc còn chứa các hợp chất khác như Rauwolfia A, Ajmalin, Ajmalixin và serpentin.

Công thức hoá học của Reserpine của cây Ba gạc

Tác dụng dược lý

Dựa trên các nghiên cứu chủ yếu trên động vật, nước sắc từ cây Ba gạc có các tác dụng sau:

Làm giảm huyết áp do nguồn gốc trung ương,  không phải do mạch ngoại biên.

Làm tim đập châm.

Có tác dụng an thần và gây ngủ.

Cụ thể:

Đối với tim mạch

– Nghiên cứu trên thỏ và chó cho thấy nước sắc Ba gạc có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt ở liều 0,5g/kg trọng lượng cơ thể. Trên tim ếch cô lập, nước sắc này làm chậm nhịp tim.

– Reserpine trong Ba gạc làm hạ huyết áp trên cả động vật gây mê và không gây mê. Cơ chế hạ áp là do làm cạn kiệt dần Noradrenalin trong các dây thần kinh giao cảm, tương tự như việc cắt hệ thần kinh giao cảm bằng hóa chất. Nó không làm liệt hạch nhưng có tác dụng làm chậm nhịp tim và dãn mạch máu dưới da.

Đối với thần kinh trung ương

Ba gạc có tác dụng an thần rõ rệt, tương tự các dẫn chất Phenothiazin, nhưng không có tác dụng hạ sốt. Reserpine trong dược liệu gây trấn tĩnh mạnh mẽ, giúp hệ thần kinh trung ương làm dịu.

Cây Ba gạc ra quả khi chín

Đối với các hệ cơ quan khác 

Thân nhiệt: thuốc có thể gây rối loạn điều hòa thân nhiệt do Reserpine

Hệ nội tiết: Reserpine kích thích vỏ tuyến thượng thận giải phóng các corticoid, có tác dụng kháng lợi niệu nhẹ. Trên chuột đực, nó ức chế phân tiết Androgen. Trên chuột cái, nó ức chế chu kỳ động dục và phóng noãn;

Mắt: Reserpine thu nhỏ đồng tử rõ rệt, là một trong những triệu chứng sớm sau khi dùng thuốc. Nó cũng làm sa mi mắt và thư giãn mi mắt thứ ba (màng nictitating) của mèo và chó.

Hệ tiêu hóa: Reserpine làm tăng nhu động ruột và bài tiết phân.

Ở Trung Quốc, Ba gạc được dùng để điều trị tăng huyết áp hiệu quả.

Lá tươi giã nát đắp lên vết thương và rắn cắn.

Ở Đài Loan, rễ cây được sắclên lấy nước sắc làm thuốc diệt côn trùng.

Công dụng và liều dùng

Theo Y học cổ truyền, Ba gạc thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giáng hỏa, giải độc, và hoạt huyết, quy kinh vào Can, Tâm, Thận.

Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, giáng huyết áp. Nước sắc Ba gạc có tác dụng hạ huyết áp (nguồn gốc trung ương), làm chậm nhịp tim, đồng thời có tác dụng an thần và gây ngủ.

Chiết xuất các alcaloid: Reserpin, ajmalin, và alcaloid toàn phần được sử dụng dưới dạng viên nén để điều trị cao huyết áp. Ajmalin được dùng để chữa loạn nhịp tim dưới dạng thuốc viên và thuốc tiêm.

Chế biến: Cây Ba gạc có thể dùng tươi để sắc , hoặc dùng khô hoặc nấu thành cao.

Hiện nay, Ba gạc thường được bào chế dưới dạng cao lỏng với tỷ lệ 1g cao lỏng tương đương với 1g vỏ rễ, dùng để điều trị tăng huyết áp có kèm đau đầu và an thần.

Cao lỏng Ba gạc dùng Liều trung bình của là 30 giọt/ngày, có thể tăng lên 45 – 60 giọt.

Thời gian điều trị có thể kéo dài, nhưng nên nghỉ 1 tuần sau mỗi đợt dùng từ 10 – 15 ngày trước khi bắt đầu đợt mới.

Ngoài ra, chiết xuất các alcaloid (reserpin, ajmalin) từ Ba gạc cũng được dùng để chữa cao huyết áp. Ajmalin được chiết xuất dùng điều trị loạn nhịp tim dưới dạng viên nén và thuốc tiêm.

Cây Ba gạc còn được bào chế thành cao lỏng chứa 1,5% alcaloid toàn phần, 1g cao bằng 1g vỏ rễ để điều trị cao huyết áp và làm thuốc an thần.

Lưu ý: Các chế phẩm từ cây Ba gạc chống chỉ định trong các trường hợp: loét dạ dày tá tràng, nhồi máu cơ tim, hen suyễn.

Các chế phẩm từ cây Ba gạc ngoài thuốc sắc còn có:

Viên Reserpin dạng viên nén có các hàm lượng 0,0001g, 0,00025g và 0,0005g;

Thuốc tiêm có hàm lượng 5mg/2ml.

Rauviloid (2mg alcaloid toàn phần) được dùng điều trị huyết áp cao với liều 2-4mg/ngày.

Trường hợp không nên dùng

Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Các chế phẩm từ cây Ba gạc chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Loét dạ dày tá tràng.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Hen suyễn đang trong đợt cấp.

Tương tác thuốc với sản phẩm từ cây ba gạc

Sản phẩm từ cây Ba gạc có thể tương tác với các loại thuốc khác, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Nên khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần đọc kỹ phần tương tác thuốc. Thuốc từ cây Ba gạc có thể tương tác với các thành phần và các thuốc sau:

  • Khi dùng thuốc có thể gây buồn ngủ quá mức nếu uống cùng Rượu và đồ uống có cồn:.
  • Thuốc Digoxin (Lanoxin®): làm giảm hiệu quả của digoxin.
  • Làm giảm hiệu quả của Levodopa.
  • Thuốc tương tác với thuốc chống trầm cảm (MAOIs)
  • Thuốc trị bệnh thần kinh: làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ về thần kinh.
  • Thuốc có thể gây hạ huyết áp quá mức nếu dùng với Propranolol (Inderal®):
  • Thuốc an thần: gây buồn ngủ quá mức.
  • Thuốc kích thích: có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp cao nghiêm trọng.

Tóm lại, Ba gạc có nhiều tác dụng tích cực đối với hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương như hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim, an thần, được chứng minh qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm in vivo. Đây là cây thuốc được xem là một vị thuốc có tiềm năng lớn trong Đông y và cả Tây y giúp kiểm soát huyết áp. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, người dùng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên môn.

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung

 

Có thể bạn quan tâm

Dâm dương hoắc: Vị thảo dược bổ thận, tráng dương

Dâm dương hoắc là thảo dược quý trong y học cổ truyền, nổi bật với …