Tre một loại cây khá phổ biến ở nước ta. Lá tre là một dược liệu được dùng phổ biến trong Dược học cổ truyền và Bài thuốc dân gian. Lá tre thu hái khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn được dùng làm vị thuốc trong Đông Y.
Theo Dược học cổ truyền lá tre dùng tươi, có vị ngọt nhạt, hơi cay vào các kinh tâm, phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt.
Dược học cổ truyền bài thuốc dân gian chữa bệnh dùng lá tre:
Chữa thủy đậu: Lá tre 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 2g, sơn chi 2g, cam thảo 2g, hành tăm 2 củ. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đái ra dưỡng trấp: Lá tre 20g, kim tiền thảo 20g, mía đỏ 20g, giá đỗ xanh 16g, tì giải 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa loét miệng: Lá tre 16g, thạch cao 20g, sinh địa 16g, chút chít 16g, cam thảo nam 16g, huyền sâm 12g, ngọc trúc 12g, mộc thông 12g. Sắc uống trong ngày.
Chữa cảm sốt, miệng khô khát: Lá tre 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g, kinh giới 8g, bạc hà 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm thanh quản, mất tiếng: Lá tre 12g, trúc nhự 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm bàng quang cấp tính: Lá tre 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm phế quản cấp tính: Lá tre 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa trẻ em co giật: Thầy thuốc hướng dẫn Lá tre 16g, sinh địa 12g, mạch môn 12g, câu đằng 12g, lá vông 12g, chi tử 10g, cương tàm 8g, bạc hà 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa sởi ở thời kỳ đang mọc: Lá tre 20g, sài đất 16g, sắn dây 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống trong ngày.
Chữa tràn dịch màng phổi: Lá tre 10g, phục linh 12g, thương truật 10g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, cam thảo 6g, nguyên hoa 4g, cam toại 4g, ba kích 4g, đại táo 10 quả. Sắc uống ngày 1 thang (cần theo dõi mạch và huyết áp người bệnh vì bài thuốc có thể gây tiêu chảy).
Nguồn: Suckhoedoisong.vn