Các Thầy thuốc tại Canada vừa phát hiện ra rằng những người có nhiều hình xăm có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh viêm gan C và các bệnh về đường máu khác cao hơn.
Bệnh viêm gan C có nguy cơ cao ở những người xăm mình
Kết quả nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí International Journal of Infectious Diseases.
Các chuyên gia bệnh học tại UBC (Canada) đã xem xét và phân tích 124 nghiên cứu trước đó ở 30 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Canada, Iran, Italy và Brazil, và đã phát hiện thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C tăng cao sau khi các bệnh nhân thực hiện các hình xăm.
Những người xăm mình có nguy cơ mắc viêm gan C cao hơn
Ngoài ra, những người xăm nhiều hình còn có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh khác như phản ứng dị ứng, HIV, viêm gan B, vi khuẩn hoặc nhiễm nấm.
Tiến sĩ Siavash Jafari, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, nói rằng do các dụng cụ xăm mình thường tiếp xúc với máu và các chất dịch trong cơ thể nên có thể gây ra các trường hợp lây nhiễm nếu như nhiều người sử dụng chung một dụng cụ không được tiệt trùng hoặc không có kỹ thuật vệ sinh thích hợp.
Xăm mình đang trở thành một trào lưu ngày càng phổ biến tại các nước trên thế giới trong những năm gần đây. Tại Mỹ, ước tính có khoảng 36% những người dưới 30 tuổi có hình xăm. Theo thống kê của Tin tức Y Dược thì tại Canada, ước tính có khoảng 8% học sinh trung học có ít nhất một hình xăm và 21% những người chưa có mong muốn cũng sở hữu những hình ảnh giống bạn bè.
Những thành phần hóa chất có trong thuốc nhuộm hình xăm bao gồm sơn nhà, mực in máy vi tính hoặc chất cácbon công nghiệp. Những chất độc hại trong thuốc xăm có thể xâm nhập vào thận, phổi thông qua hệ thống tuần hoàn.
Siêu vi viêm gan C (HCV) là một siêu vi truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là siêu vi viêm gan không phải A hoặc B. HCV có sáu loại thường thấy nhất, là 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6. Trong đó loại 1a và 1b rất phổ biến tại Hoa Kỳ và khó chữa trị hơn.
Viêm gan C xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu rồi tấn công tế bào gan và sinh sôi nảy nở tại đây. Viêm gan C làm cho tế bào gan sưng lên và đồng thời giết các tế bào gan. Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên – có nghĩa là 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết.
Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, trong số 10-25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10-40 năm, và có thể làm hỏng gan trầm trọng, xơ gan, hoặc ung thư gan. Hiện nay bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay ghép gan tại Hoa Kỳ.
Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chận đứng sự phát triển của HCV cho một số người.