Mùa hè đến là thời điểm thuận lợi để bệnh thương hàn phát triển. Thầy thuốc sẽ hướng dẫn một số biện pháp phòng tránh căn bệnh này.
Đặc điểm bệnh thương hàn
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch được lây truyền qua đường tiêu hóa do vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn gây nên. Vi khuẩn gây bệnh đột nhập qua đường tiêu hóa tới lách, sau đó phát triển nhân lên rồi xâm nhập vào máu và gây ra bệnh cảnh lâm sàng nhiễm trùng nhiễm độc với dấu hiện khá điển hình là mạch nhiệt phân ly.
Trực khuẩn thương hàn có tên khoa học là Salmonella typhi thuộc loại vi khuẩn gram âm, có 107 type kháng nguyên và 3 phó thương hàn với tên khoa học là Salmonella enteritidis còn gọi là paratyphi A, Salmonella schottmulleri còn gọi là paratyphi B, Salmonella hirschfeldii còn gọi là paratyphi C. Thực tế ghi nhận, tỉ lệ mắc bệnh do vi khuẩn thương hàn và vi khuẩn phó thương hàn là 10/1. Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao, chúng có thể sống trong thời gian hàng tháng trời ở ngoài môi trường. Ở nhiệt độ 55oC trong vòng 30 phút, vi khuẩn có thể bị giết chết. Cồn và các loại thuốc sát khuẩn khác cũng có thể diệt được vi khuẩn trong thời gian từ 3 – 5 phút. Hiện nay, trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn trên thực tế đã kháng lại với nhiều loại kháng sinh cổ điển như: chlorocid, bactrim, ampicillin… nhưng vẫn còn nhạy cảm với nhóm thuốc quinolone và cephalosporine thế hệ 3.
Vắc-xin thương hàn dùng để tiêm
Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn tiêm với tên thương mại là Typhim Vi, có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Vắc-xin được dùng để phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi; đặc biệt nên sử dụng cho những người sống hay đi du lịch đến những vùng có bệnh lưu hành, người di cư, quân nhân, nhân viên y tế dễ có nguy cơ bị mắc bệnh. Loại vắc-xin thương hàn tiêm không có chỉ định khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi; đối với trẻ em từ 2 – 5 tuổi phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Thường tiêm một liều vắc-xin thương hàn 0,5ml ở dưới da hoặc bắp thịt; trong vòng ít nhất là 3 năm được bảo vệ không cần tiêm mũi thứ hai.
Sau khi tiêm vắc-xin khoảng 24 giờ có thể có một số phản ứng phụ như 10% đau nhẹ tại chỗ tiêm, có phản ứng viêm hoặc nổi cục cứng nhưng ít gặp hơn; thực tế có khoảng từ 1 – 5% các trường hợp tiêm vắc-xin có biểu hiện sốt nhẹ. Nên hoãn tiêm vắc-xin cho những người đang bị sốt hoặc nhiễm khuẩn nặng, nếu nghi ngờ có thể hỏi ý kiến của bác sĩ. Không nên tiêm vắc-xin cho những người bị mẫn cảm với thành phần của vắc-xin. Đối với phụ nữ có thai, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thương hàn cần được cân nhắc khi tại địa phương có nguy cơ dịch bệnh xảy ra và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vắc-xin thương hàn dùng để uống
Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn uống với tên thương mại là Zerotyph cap, cũng có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Loại vắc-xin thương hàn uống dùng để phòng ngừa bệnh thương hàn, có thể phòng được bệnh phó thương hàn paratyphi B. Tin tức Y Dược khuyên uống 1 viên vào các ngày thứ nhất, thứ ba và thứ năm; uống 1 giờ trước bữa ăn với nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Nếu đi du lịch từ vùng không có dịch bệnh đến vùng có lưu hành dịch thì phải uống 1 liều vắc-xin nếu liều cuối cùng uống trước đó hơn 1 năm. Chú ý rằng một số loại kháng sinh và sulfonamides có tác dụng chống lại vi khuẩn salmonella nên không được dùng cùng một lúc với vắc-xin Zerotyph cap uống; đối với các thuốc tiêm khác kể cả vắc-xin sống thì có thể sử dụng đồng thời.
Dùng vắc-xin thương hàn uống có thể có tác dụng phụ như: rối loạn nhẹ đường ruột. Chống chỉ định sử dụng loại vắc-xin này cho những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh; người đang bị sốt cấp tình, nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính; trẻ em dưới 3 tháng tuổi; đối với phụ nữ có thai thì hiện nay các nhà khoa học chưa xác định được tính an toàn của vắc-xin nên cũng cần thận trọng.