Danh mục
Trang chủ >> Khỏe Đẹp >> Thầy thuốc tư vấn cách dùng thuốc trị bệnh đường tiêu hóa

Thầy thuốc tư vấn cách dùng thuốc trị bệnh đường tiêu hóa

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Thuốc tiêu hóa (thuốc trị bệnh tiêu hóa) có rất nhiều loại khác nhau tuy nhiên để chữa bệnh hiệu quả, Thầy thuốc khuyên bạn nên biết cách dùng đúng, dùng an toàn.

thuoc-duong-tieu-hoa-1

Thuốc chống nôn

Thuốc chống nôn được định nghĩa là tất cả các loại thuốc làm ngừng hãm hoặc cắt phản xạ nôn của người bệnh dù người bệnh đó nôn do bất cứ nguyên nhân gì.

Có hai nhóm thuốc chống nôn: thuốc ức chế trung tâm nôn trên hệ thần kinh trung ương và thuốc chống nôn ngoại vi, tác dụng thường yếu hơn.

Thuốc chống nôn trung ương: Là thuốc ức chế thụ cảm thể của serotonin (thụ cảm thể 5-hydroxytryptamine, vẫn được gọi là thuốc kháng 5-HT3). Những thuốc này có tác dụng mạnh, ức chế thụ cảm thể của serotonin, làm mất khả năng hoạt hóa của trung tâm chống nôn. Có thể kể ra đây một số loại như: ondansetron, granisetron, dolasetron mesylate, palonosetron…Phổ thông chúng ta thường gặp ondansetron. Thuốc tồn tại dưới dạng viên và dạng tiêm, nhưng thường thấy dạng tiêm hơn. Điều quan trọng của việc cắt được phản ứng nôn đó là liều dùng và đường dùng. Thường mức độ nôn nặng, thuốc dạng uống không có tác dụng. Khi đó phải dùng dạng kết hợp và dạng tiêm, có khi phải sử dụng dạng truyền với chiến lược dùng trước, trong và sau khi cơn nôn xảy ra.

Nhóm thuốc Tây Y chống nôn ngoại vi: Bao gồm một số thuốc thường là các thuốc ức chế thụ cảm dopamin ngoại vi ở trên thành dạ dày ruột. Ví dụ như domperidon và metoclopramid. Các thuốc này được bào chế dưới dạng viên uống, viên đặt cho người lớn, siro cho trẻ em, dạng tiêm cho mức độ nôn vừa và nhẹ. Thông thường, chỉ cần dùng thuốc trước khi có nôn thì đã cắt được phản xạ nôn. Nhưng các trường hợp nôn vừa, việc dùng thuốc đường uống là không đủ, mặc dù nó chính là thuốc chống nôn nhưng thuốc chưa kịp ngấm thì đã bị tống đẩy ra ngoài. Khi đó, bắt buộc phải dùng đường tiêm và tiêm nhắc lại nhiều lần trong ngày. Khi điều trị 2 ngày với phác đồ tấn công, cơn nôn không giảm bớt, cần phải xem lại phác đồ thuốc và có khi phải chuyển sang dạng chống nôn trung ương.

Hiện nay, ngoài hai nhóm thuốc cơ bản trên, còn ra đời một số thuốc chống nôn mới cùng nhiều phác đồ dùng thuốc đơn dòng hay kết hợp.

Khi dùng thuốc chống nôn phải biết rõ và biết chắc nguyên nhân gây nôn. Bởi thuốc có thể xóa bỏ triệu chứng nôn trước khi cho bạn cơ hội tìm rõ nguyên nhân. Nếu không xác định được nguyên nhân gây nôn, việc làm mất triệu chứng nôn là rất nguy hiểm.

Thuốc chống co thắt cơ trơn

Cơ trơn là những cơ bố trí ở thành ống tiêu hóa bao gồm có thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Cơ trơn có đặc tính co thắt với co vòng và gây ra các cơn đau quặn đến quằn quại và rất khó chịu. Việc sử dụng các thuốc chống co thắt cơ trơn là cần thiết.

Thuốc chống co thắt cơ trơn thường được phân loại thành hai nhóm: thuốc giãn cơ trực tiếp do tác động vào nội tại cơ trơn và thuốc kháng cholinergic vốn là hệ thần kinh chỉ huy co thắt cơ.

Những thuốc làm giãn cơ trực tiếp: Tác động trực tiếp vào nội tại cơ trơn và không hề tác động vào cơ chế thần kinh chỉ huy. Đại diện của nhóm này có alverine, mebeverine, papaverin, sparmaverin. Một số chúng trong đó là dẫn xuất có tác dụng lên thụ cảm thể opiat ở thành ruột. Nhưng nhìn chung, chúng đều tác dụng trực tiếp vào cơ, ức chế men phosphodiestearase làm cơ không phân hủy ATP để tạo ra năng lượng co cơ. Vì thế, chúng ngừng co thắt. Những thuốc này có tác dụng yếu.

Những thuốc tác động theo cơ chế thần kinh: Chúng làm cắt phản xạ thần kinh điều phối cơ trơn co thắt. Vì thế, phản xạ co thắt không xảy ra. Các thuốc thường gặp có atropine, dicycloverine, hyoscine, propantheline. Chúng có đặc điểm là tác dụng nhanh, mạnh và làm mất phản xạ co thắt gần như ngay tức thì. Nhược điểm của chúng là không dùng kéo dài được và hay gây phản ứng phụ trên hệ tim mạch và hô hấp. Do hai hệ thống này cùng chung hệ thần kinh điều khiển đó là hệ cholinergic.

Bác sĩ tư vấn dùng thuốc chống co thắt cơ trơn phải dùng theo nấc thang điều trị. Nếu dùng thuốc chưa đáp ứng hiệu quả thì phải tăng liều cho đến khi nào đạt được liều đáp ứng thì duy trì. Khi cơn đau kéo đến quá nhanh và quá mạnh, dùng thuốc đường uống hoàn toàn không có tác dụng bởi thuốc tác dụng chậm và hiệu lực thấp. Khi đó, thuốc đường tiêm là một bắt buộc trong các cách cấp cứu cơn đau quặn tiêu hóa.

thuoc-duong-tieu-hoa-2

Thuốc giảm tiết

Thuốc giảm tiết có tên gọi đầy đủ là thuốc giảm tiết dịch của đường tiêu hóa. Trong thực tế lâm sàng bệnh viện, thuốc giảm tiết thường được sử dụng để giảm tiết axit dạ dày nên người ta thường mặc nhiên coi đó là thuốc để điều trị bệnh viêm loét dạ dày chứ không phải thuốc khác. Thậm chí, do thói quen sử dụng, người ta còn gọi đó là thuốc giảm tiết dạ dày chứ không phải là thuốc giảm tiết dịch đường tiêu hóa. Nhưng sự thật, thuốc giảm tiết sẽ làm giảm tiết toàn bộ dịch của đường tiêu hóa và nó được dùng để điều trị không chỉ bệnh của dạ dày mà còn nhiều bệnh khác nữa, trong đó có bệnh viêm tụy cấp.

Theo phản xạ tiết dịch, gồm hai khâu là thụ cảm thể tiếp nhận kích thích tiết dịch và bơm proton tiết dịch. Vì thế, thuốc giảm tiết cũng gồm hai nhóm là nhóm thuốc ức chế thụ cảm thể và nhóm thuốc ức chế bơm proton. Hai thuốc này không thể so sánh với nhau về hiệu lực mà căn cứ theo bệnh mà chúng có tác dụng ít hay nhiều khác nhau.

Thuốc giảm tiết ức chế thụ cảm thể (còn gọi là nhóm thuốc khởi đầu bởi nó làm mất phản xạ tiết dịch ngay từ khâu đầu tiên, ở khâu thụ cảm thể), đó là thuốc kháng histamin H2, gồm có cimetidin, ranitidin, famotidine và nizatidin. Mỗi một thuốc là đại diện cho một thế hệ. Thế hệ sau cải tiến hơn  thế hệ trước ở mức độ ức chế thụ cảm thể H2 và hiệu năng tác dụng cũng như số lượng tác dụng phụ gây ra. Nhìn chung, càng thế hệ về sau, thuốc càng có tác dụng ức chế mạnh hơn. Việc dùng thuốc kháng H2 cần phải đủ liều và đủ liệu trình để làm ngừng hãm phản xạ tiết dịch. Nếu không, việc dùng thuốc trở nên vô nghĩa, có khi làm phản xạ tiết dịch mạnh hơn, thuốc thường được dùng  2-3 lần/ngày.

Thuốc giảm tiết ức chế bơm proton (còn gọi là nhóm thuốc giảm tiết cuối cùng vì nó làm ức chế khâu cuối cùng để tạo ra dịch tiêu hóa từ bơm proton tạo ra) gồm có omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, esomeprazol. Mỗi một tên thuốc cũng là đại diện cho một thế hệ. Thế hệ sau ức chế bơm mạnh hơn thế hệ trước. Thuốc nền tảng và cơ bản là omeprazol với hiệu lực ức chế hoàn toàn bơm H+ làm phản xạ tiết dịch bị mất tác dụng, dịch không tiết ra cho dù kích thích tiết dịch tiêu hóa là gì. Thuốc nhóm này thường chỉ cần dùng ngày 1 lần và thường trước khi dịch được tiết ra nhiều là đủ hiệu lực đáp ứng.

Trong các trường hợp nặng, việc dùng thuốc đường tiêm là bắt buộc.

Thuốc cầm tiêu chảy

Thuốc cầm tiêu chảy là tất cả các thuốc làm giảm lượng nước ở trong phân và giảm số lần đại tiện trong một ngày đêm. Về cơ chế dược học, phân có nhiều nước thì phân sẽ tăng thể tích. Thể tích phân tăng thì kích thích đại tiện nhiều. Nếu bằng một thuốc nào đó, chúng ta có thể làm giảm số lượng nước trong phân, giảm thể tích phân, giảm co bóp đường ruột thì tức khắc sẽ làm giảm số lần tiêu chảy trong một ngày đêm.

Không quan tâm tới cơ chế sinh lý bệnh, về mặt dược lý, việc cắt nghĩa đơn giản như trên đã cho ra đời nhiều loại thuốc chống tiêu chảy khác nhau. Người ta phân thành các nhóm cơ bản sau: Thuốc tác dụng vào thụ cảm thể opiat ở thành ruột, và thuốc hấp thụ và bao phủ bề mặt.

Thuốc tác động vào thụ cảm thể opiat ở thành ruột: Có tác dụng làm giảm sự vận chuyển của cơ thành ruột. Nó không làm giảm khả năng co thắt mà chỉ làm giảm nhu động. Do đó làm giảm khả năng tống đẩy phân ra ngoài. Điển hình trong nhóm thuốc này có racecadotril và loperamid. Hai thuốc này được dùng để điều trị tiêu chảy khá nhạy, có thể làm mất phản xạ tiêu chảy ngay. Chỉ có điều, công hiệu hơi mạnh nên nhiều khi làm thay đổi triệu chứng dẫn tới chẩn đoán bệnh nhầm. Thêm vào đó, thuốc tác động thông qua cơ chế thần kinh nên không thể dùng kéo dài. Nếu cứ cố tình dùng kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới thần kinh trung ương khi dùng liều cao và liên tục, đồng thời sẽ làm giảm tác dụng ở những ngày tiếp theo.

Thuốc hấp thụ và bao phủ bề mặt (than hoạt, smectite, kaolin, methylcellulose): Những thuốc này có đặc điểm tác dụng ở bề mặt, không ngấm vào cơ thể nên tác dụng phụ gần như là không có. Chúng hoạt động dựa theo nguyên lý che phủ toàn bộ bề mặt ruột hoặc thấm hút hết nước trong phân nên phân sẽ đặc hơn và ít thể tích hơn. Nhược điểm của thuốc này là hiệu quả không cao. Những trường hợp tiêu chảy do rối loạn chức năng thì còn ý nghĩa nhưng nếu tiêu chảy do nhiễm vi rút và vi khuẩn thì thuốc chỉ có thể làm thay đổi triệu chứng ngày thứ nhất nhưng sang ngày thứ hai triệu chứng lại như cũ và có phần nặng hơn.

Cần lưu ý, không bao giờ dùng thuốc chống tiêu chảy đơn độc mà bắt buộc phải dùng thuốc điều trị nguyên nhân. Nếu không, đến một lúc nào đó, tiêu chảy sẽ bùng phát dữ dội và không có thuốc gì cầm được. Không nên dùng thuốc chống tiêu chảy ở ngay lần tiêu chảy đầu tiên. Cần cho đường ruột thải bớt chất độc ra ngoài ở 1-2 lần tiêu chảy đầu tiên nhằm giảm mức độ bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Phương pháp giác hơi có tác dụng gì?

Giác hơi là một phương pháp trị liệu độc đáo không sử dụng thuốc, mang …